Quy mô lớn, tiến độ nhanh
Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác GPMB, tái định cư và đảm bảo ATGT dự án mở rộng QL 1 và đường HCM đoạn qua Tây Nguyên sáng 15/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đã và đang triển khai các Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên”.
Đây là 2 dự án cải tạo nâng cấp có quy mô lớn, vừa khai thác vừa thi công, tổng mức đầu tư khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Các dự án trải dài qua nhiều địa phương, đan xen lẫn nhau giữa hình thức đầu tư BOT và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), tổ chức thực hiện bởi nhiều chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp…
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với các địa phương, đến nay công tác GPMB của toàn dự án đã cơ bản hoàn thành. Tính đến thời điểm này, khối lượng xây lắp đã đạt trên 35%, đảm bảo mục tiêu tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2015, dự kiến sẽ vượt kế hoạch 12 tháng. Đặc biệt, đoạn Thanh Hóa – Vũng Áng sẽ hoàn thành ngay cuối năm nay.
Đột phá trong GPMB
Theo báo cáo của Bộ GTVT, các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên dài trên 1.500 km đi qua 22 tỉnh, thành. Có khoảng 84.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có gần 5.300 hộ cần phải bố trí vào các khu tái định cư tập trung; cần di dời hàng ngàn km công trình điện, nước, cáp quang, viễn thông… Nhưng chỉ sau hơn một năm triển khai, đã cơ bản hoàn thành khối lượng GPMB rất lớn.
Đến nay, đã bàn giao mặt bằng được 1505/1510 Km, có 20/22 tỉnh đã cơ bản bàn giao 100% (trong đó 5/5 tỉnh trên đường Hồ Chí Minh và 15/17 tỉnh trên Quốc lộ 1). Còn 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên hiện đang vướng một số vị trí chưa bàn giao xong do một số khó khăn, vướng mắc đặc thù.
Công tác bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng cơ bản đã hoàn thành. Việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật cũng được triển khai đồng bộ, xong trong khoảng thời gian khoảng 7 – 10 ngày sau khi được bàn giao mặt bằng.
Các tỉnh nằm trong tốp đầu hoàn thành tốt GPMB gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông.
Thi công nhanh, không gây tai nạn
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong thời gian qua, trên toàn tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh không để xảy ra tình trạng ách tắc giao thông kéo dài; không xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng do ảnh hưởng của việc thi công các dự án. Để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban QLDA, chủ đầu tư, nhà thầu xây hệ thống đường tránh, cầu tạm để đảm bảo giao thông thông suốt; Bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ hướng dẫn đầy đủ; Kịp thời sửa chữa các vị trí mặt đường bị hư hỏng; Tưới nước chống bụi trong quá trình thi công… Bộ GTVT đã thành lập các Tổ đặc nhiệm, Tổ rà soát thi công hiện trường, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công tác đảm bảo ATGT.
Tuy nhiên, ở một số dự án, một số gói thầu vẫn còn ùn tắc giao thông cục bộ. Nguyên nhân là do lưu lượng giao thông lớn, nền mặt đường bị thu hẹp; lực lượng tư vấn giám sát còn mỏng; chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, ban ngành của địa phương, phối hợp đồng bộ với lực lượng công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan phát thanh, truyền hình…
Các bài học kinh nghiệm
Báo cáo tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đúc rút một số bài học lớn qua quá trình tổ chức triển khai 2 dự án trọng điểm.
Thứ nhất là để GPMB cần phải có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Dự án đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt; các cơ quan Trung ương và địa phương đã trực tiếp đến hiện trường, từng hộ dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc; trao đổi cách làm hay, phổ biến kinh nghiệm của một số địa phương đi đầu trong công tác GPMB, từ đó các vướng mắc nhanh chóng được tháo gỡ.
Thứ hai, phải tuyên truyền, phổ biến để nhân dân biết chủ trương lớn của dự án, từ đó đồng lòng ủng hộ, tạo điều kiện, phối hợp với chính quyền địa phương để kê khai, kiểm đếm và bàn giao mặt bằng một cách nhanh chóng.
Thứ ba, các Bộ, ngành kịp thời tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, có hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện công tác GPMB. Thứ tư, địa phương phải sâu sát, kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật kịp thời.
Thứ năm, vốn cho công tác GPMB cần phải được ưu tiên hàng đầu, khi người dân đồng ý nhận tiền đền bù là có đủ kinh phí chi trả ngay.
Thứ sáu, kết hợp với chính quyền, đoàn thể vừa GPMB nhanh vừa thi công quyết liệt tại các điểm đã có mặt bằng, đảm bảo an toàn cho người qua lại.
Thứ bảy, thực hiện linh hoạt nhiều hình thức tái định cư (tự nguyện, tập trung, xen ghép…) và chủ động bố trí kinh phí xây dựng các khu tái định cư với quy mô phù hợp.
Cuối cùng, cần kịp thời chỉ đạo, phối hợp và yêu cầu các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật phải chủ động bố trí kinh phí và tổ chức di dời theo đúng cam kết với cơ quan quản lý hạ tầng giao thông khi xây dựng các công trình này.
Theo giaothongvantai.com.vn
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.