Trong thời gian tới các trạm thu phí sẽ có làn tự động và làn một dừng, trong tương lai sẽ chuyển đổi dần sang tự động hoàn toàn. |
Bộ Giao thông Vận tải đang dự kiến áp dụng một hệ thống thu phí tự động thống nhất trên cả nước, nhằm hiện đại hóa quản lý giao thông dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng/năm
Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ khi vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đầu tư dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tự động trên toàn quốc, giai đoạn 1 áp dụng đối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Hiện nay, trên các tuyến quốc lộ có gần 100 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vấn đề là, nếu các trạm thu phí hoạt động độc lập và tiếp tục thu theo hình thức thủ công như lâu nay, sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc của các chủ đầu tư và chủ phương tiện, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý.
Sau khi nghiên cứu mô hình thu phí tự động của một số quốc gia trên thế giới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ ký ban hành quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, qua đó hình thành khuôn khổ pháp lý để có thể áp dụng rộng rãi hình thức thu phí tự động trên toàn quốc.
Theo dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Giao thông Vận tải đang được lấy ý kiến các bên liên quan, về nguyên tắc, thì sự chuyển đổi sang việc thu phí từ bằng tay sang hình thức tự động không dừng phải bảo đảm không làm tăng mức phí sử dụng đường bộ mà chủ phương tiện phải trả, bảo đảm quyền thụ hưởng phí của các chủ đầu tư và hỗ trợ việc quản lý nhà nước về giao thông.
Giữa tháng 5 vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đầu tư dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tự động trên toàn quốc, giai đoạn 1 áp dụng đối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO).
Một nghiên cứu mới đây cho thấy nếu công nghệ thu phí được áp dụng tại Việt Nam, sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm.
Đón đầu dòng chảy BOT
Với hàng chục dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã và đang đi vào hoạt động trong thời gian tới, việc áp dụng một hệ thống thu phí tự động dùng chung cho tất cả các trạm thu phí đang được xem là một giải pháp mang lại nhiều lợi ích.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 5/2015, ngành giao thông vận tải đã và đang triển khai 68 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, trong đó, 20 dự án đã hoàn thành.
Hàng loạt dự án khác cũng sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian từ nay đến cuối năm, trong đó phần lớn là các dự án thành phần thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Nhờ huy động thêm được các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nên đến nay năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần, năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.
Vẫn theo Bộ Giao thông Vận tải, hình thức đầu tư BOT hiện là hình thức đầu tư phổ biến trên thế giới, vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công, thì đây là hình thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên, không làm tăng nợ công trong điều kiện nợ công đang ở mức cao như hiện nay, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân thông qua các tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.