Dù được coi là “con cưng” của ngành đường sắt, giống như cơ trưởng của hàng không, nhưng thay vì “đi mây về gió”, sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại nhất thì bao năm qua lái tàu vẫn nằm trong nhóm nghề cực khổ và nguy hiểm nhất.
Nỗi lo đường ngang dân sinh
6 giờ sáng, chuyến tàu SE8 từ Sài Gòn đi Hà Nội mới xuất phát nhưng từ đêm hôm trước “cơ trưởng” Nguyễn Chí Dũng (tài 3 - bậc cao nhất của lái tàu) và lái phụ đã có mặt ở phân xưởng vận dụng đầu máy Sài Gòn (Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn) để kiểm tra máy móc, đầu máy.
Đúng 5 giờ 15, sau khi nhận lệnh, ông Dũng lái đầu máy từ phân xưởng chạy vào ga Sài Gòn để kết nối toa tàu. Chiếc đầu máy công suất 1.900 mã lực có tên “Đổi mới” có chức năng kéo lẫn đẩy chầm chậm chạy vào ga.
“Điểm đặc biệt của đầu máy tàu là ở phía chân trái của lái chính và lái phụ đều được gắn thiết bị chống ngủ gật, chân lái tàu phải tác động lên đó. Chỉ cần trong vòng 40 giây nếu tài xế không tác động thì còi chống buồn ngủ sẽ kêu to, sau 6 giây nữa vẫn không phản ứng, thiết bị hãm tự động dừng tàu”, ông Dũng nói.
Sau khi nhận biên bản thử hãm (phanh), cảnh báo lộ trình nguy hiểm và giấy phép khởi hành, đúng 6 giờ, tàu SE8 bắt đầu lăn bánh ra khỏi ga Sài Gòn. Từ đây bắt đầu giây phút căng thẳng của lái tàu!
Ông Dũng kể, với dân lái tàu, cực nhất vẫn là đối phó với đường dân sinh không có trạm gác. Ở cung đường sắt Sài Gòn - Bình Thuận, căng nhất vẫn là đoạn trong nội ô Sài Gòn và đoạn Sóng Thần đi Trảng Bom (Đồng Nai). Nếu nội ô Sài Gòn do nhà dân sinh sống sát đường ray khiến nhiều chỗ hành lang an toàn đường sắt bị lấn chiếm, nhiều đường dân sinh tự mở thì khu vực Sóng Thần - Trảng Bom tập trung nhiều khu công nghiệp, khi tan ca công nhân băng qua đường dân sinh không theo bất cứ quy luật nào.
Hơn 16 năm cầm “vô lăng”, nhiều trường hợp khẩn cấp do sự bất cẩn của người đi đường khiến ông Dũng ám ảnh không thể quên. Năm 2003, vào buổi trưa khi ông Dũng chạy tàu đến địa phận Chu Lai (Quảng Nam), từ xa đã phát hiện một người đàn ông vác cuốc đi đồng, men dọc đường ray nhưng bấm còi mãi không thấy người này tránh. Tốc độ tàu khi đó đang 60 km/giờ, ông Dũng vừa cố hãm tàu, vừa cố nhoài người ra hét thì người đàn ông mới giật mình né “thần chết” trong tích tắc!
Mới đây, khi tàu chạy tới ga Bình Triệu, phát hiện một phụ nữ vừa đi men đường ray, vừa mải nói chuyện với bạn không nghe tiếng tàu hú còi. Cũng may khi tàu chạy tới nơi, người phụ nữ kịp né qua khiến ông Dũng dựng cả tóc gáy.
Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết mức có thể nhưng có một sự cố chết người cách đây 10 năm khiến ông Dũng ám ảnh mãi. Khi đó, tàu chạy đến khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa), lúc cách đường ngang dân sinh gần 300 m, ông Dũng phát hiện một xe tải chở đá chết máy, bị mắc kẹt khi qua đường ray.
Dù tàu đã hú còi nhiều lần nhưng do cabin đóng cửa để bật máy lạnh nên tài xế không nghe thấy. Dù đã cố gắng hãm tàu nhưng không kịp, tàu đã tông vào cabin xe khiến tài xế xe tải tử vong.
Ám ảnh ánh mắt người tự tử
Lái tàu vất vả, lương thấp Ông Trần Thanh Băng, Quản đốc phân xưởng vận dụng đầu máy Sài Gòn, cho hay nghề lái tàu được đào tạo ở Cao đẳng Đường sắt (có phân hiệu ở Đà Nẵng, Bình Dương) với thời gian 30 tháng. Thí sinh thi lái tàu phải qua các khâu kiểm tra sức khỏe như cao từ 1,62 m trở lên, mắt 10/10, không bị mù màu, tai thính, huyết áp ổn định, không bị dị tật tay chân... Mới vào nghề, nhân viên lái tàu sẽ ở vị trí phụ 1, hai năm sau lên phụ 2. Nếu đạt kết quả tốt, không để xảy ra tai nạn thì hai năm sau, từ phụ 2 thi lên tài 1, rồi ba năm sau thi lên tài 2, ba năm sau nữa thi lên tài 3 là bậc cao nhất của lái tàu. Lái tàu muốn vượt qua cuộc thi từ lái phụ lên lái chính phải làm chủ được máy móc, động cơ, rành rẽ cung đường, hiệu lệnh, đảm bảo chính xác thời gian tàu đến ga. Đoàn tàu đưa vào thi sát hạch sẽ được lập trình những tình huống, sự cố y như thật để lái tàu xử lý. Để lên tới “cơ trưởng”, lái tàu mất nhiều thời gian và vất vả nhưng hiện mức lương khá thấp. Như ông Nguyễn Chí Dũng (tài 3) chạy suốt tháng, thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. |
“Cơ trưởng” Nguyễn Thanh Nghị (44 tuổi, thâm niên 15 năm chạy tàu) cho hay, với tốc độ 60 - 70 km/giờ, nếu trong vòng 200 - 300 m phát hiện chướng ngại vật thì dù có cố hãm tàu cũng sẽ không kịp. Bởi với tốc độ đó, sau khi được hãm, tàu cũng trôi theo quán tính ít nhất 300 - 500 m mới dừng lại. Chưa kể với vận tốc này, lái tàu có kinh nghiệm sẽ không bao giờ dám phanh gấp bởi sẽ khiến tàu dễ bị lật, hậu quả còn nặng nề hơn.
“Phần lớn người dân thiếu ý thức khi đi qua đường ngang, không có đường ngang cũng băng qua, thích băng qua lúc nào thì qua”, ông Nghị nói.
Dân lái tàu sợ nhất là tình huống người cố tình nhảy vào tàu để tự tử. Năm 2013, trên chuyến tàu từ Nha Trang vào Sài Gòn, khi tàu chạy với vận tốc 78 km/giờ, gần đến khu vực Cây Cầy, ông Nghị phát hiện một phụ nữ đứng gần đường sắt nên kéo còi báo hiệu. Ban đầu, ông Nghị cứ nghĩ người này chụp hình tự sướng. Nhưng khi tàu tới gần, thay vì né tránh, người phụ nữ đã bước vào đứng giữa... đường ray!
Năm 2015, ông Nghị lái tàu từ Sài Gòn đi Hà Nội, tới khu vực Trảng Bom khi tàu đang ở vận tốc 60 km/giờ, một người đàn ông chán sống, từ bụi rậm bò vào đường ray khiến tàu không kịp hãm lại.
“Khi người ta muốn tự tử thì khó tránh lắm. Ám ảnh nhất là khi họ bước vào đường ray nhìn thẳng vào mắt mình. Lúc đó cảm giác của lái tàu dường như bất lực, biết họ chết mà không cứu được. Nhiều lái tàu sau những vụ đó bị ám ảnh suốt cả đời, không thể quên được đôi mắt người tự tử nhìn mình. Còn khi tàu đâm vào trẻ em hay người già thì sự ám ảnh lại càng nặng nề”, ông Nghị tâm sự.
Nhiều người thường nghĩ, khi tàu xảy ra tai nạn, người đi đường phải gánh chịu hậu quả. Nhưng tính mạng của lái tàu nhiều khi cũng “ngàn cân treo sợi tóc”. Lái tàu Mai Đức Sơn kể năm 2015, tàu do kíp anh lái đâm vào xe chở cát cố tình vượt qua đường ray. Hậu quả cabin bị đâm bẹp dúm khiến anh và một nhân viên học nghề trên cabin bị gãy hai chân.
Nhân viên ga Bình Thuận thường nhắc tình huống xe ô tô đâm tàu như trong phim Hollywood cách đây mấy năm. Lần đó, khi tàu đang chạy băng qua cánh đồng với tốc độ 70 km/giờ, sắp tới ga Bình Thuận, bỗng nhiên chiếc xe tải chở đá không làm chủ tốc độ đâm thẳng vào điểm nối giữa đầu máy và toa tàu. Hậu quả tài xế xe tải chết, còn dãy toa tàu bị đứt, 3 toa chở hàng văng ra khỏi đường ray. Cú va chạm quá mạnh khiến đầu máy hư hệ thống hãm, chở cả tài lẫn phụ chạy mất kiểm soát hơn 6 km, qua cả ga Bình Thuận mới chịu dừng khi gặp đoạn đường leo dốc. Cũng may thời điểm đó, ga Bình Thuận không có tàu chạy qua nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
Trong sổ nhật trình tại Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn ghi chi chít sự cố mà tàu gặp phải trên cung đường từ Sài Gòn đến Phan Thiết. Đầu năm 2017 đến nay, cung đường này có 23 vụ tàu đụng người chết và bị thương; 36 vụ tàu kịp dừng để tránh người và phương tiện “mắc kẹt” trên đường sắt...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.