Muốn trở thành tiếp viên hàng không, phải trải qua kỳ tuyển dụng. Tất nhiên, bởi tiếp viên hàng không là một nghề nghiệp có tỷ lệ chọi rất cao, thậm chí cao hơn cả thi vào đại học Harvard. Thông thường, yêu cầu về ngoại ngữ là yếu tố quyết định hơn yêu cầu về trình độ đại học, bên cạnh những tiêu chí quen thuộc về ngoại hình như gương mặt, chiều cao, khả năng với khi kiễng chân, không dị tật ngoài da...
Một số hãng hàng không thậm chí đưa ra những tiêu chí ban đầu đặc biệt hơn, như phải trải qua vòng thi để mặt mộc, phải thành thạo ít nhất 3 ngoại ngữ cơ bản, có thể bơi được ít nhất 50m, không được trang trí răng bằng đá quý, hay yêu cầu về quốc tịch... Tính trên những yêu cầu cơ bản, hàng không châu Á khắt khe hơn cả về ngoại hình, trong khi châu Âu chú trọng khả năng giao tiếp với khách hàng của các ứng viên.
Là hãng hàng không 5 sao nổi tiếng nhất châu Á, thu nhập một tiếp viên hàng không của Emirate là khoảng 12.200 USD, bao gồm phụ cấp bay, phần trăm doanh thu bán hàng miễn thuế, lương cứng và các phụ cấp về khách sạn, giao thông. Đây là mức thu nhập rất cao trong ngành này.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn của Emirate cũng rất khắc nghiệt. Ứng viên phải có bằng chuyên ngành, không quan trọng đó là luật, bác sĩ, thạc sĩ kinh tế hay ca sĩ opera. Dù có thể trở thành 4.000 người có cơ hội được bay trong số 120.000 hồ sơ hàng năm, nhưng những tiếp viên hàng không của hãng vẫn đối mặt nguy cơ bị loại bất cứ lúc nào, nếu không vượt qua được kỳ sát hạch 6 tháng một lần.
Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn, các ứng viên sẽ phải trải qua quá trình đào tạo bài bản, từ sức khỏe, tác phong, cứu nạn, cũng như những yêu cầu về chuyên môn khác. Đây là hình ảnh của YuJung Kwon (trái), giáo viên hướng dẫn trang điểm tại cơ sở đào tạo của Emirates Airline tại Dubai, đang chỉ bảo cho Solenne Roussei cách trang điểm đúng chuẩn của hãng.
Bởi trong hàng ngũ tiếp viên hàng không không chỉ có nữ giới, nên các học viên nam cũng phải học cách chăm chút cho vẻ bề ngoài của mình trước khi lên máy bay. Đôi khi, chính đồng nghiệp nữ là những người dạy họ, từ việc giũa móng, cho tới chỉnh trang phục.
Những bài tập rèn luyện tác phong, nhất là với hàng không châu Á, sẽ cực kỳ khắt khe. Tại Trung Quốc, học viên sẽ phải tập cười, chỉnh dáng ngồi, đứng... Giáo viên thường sử dụng giáo cụ đặc biệt trong những bài giảng này, như ngậm đũa để tập cười, đội chai trên đầu hay kẹp chân bằng giấy A4 khi tập đứng.
Các bài tập đặc biệt về võ thuật cũng là "đặc sản" của hàng không châu Á. Thậm chí các cô gái còn phải mặc đồng phục để tập võ thuật và thiền định trên ngọn núi cao gần 2.000m ở thành phố Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc.
Các bài tập về cứu nạn, cứu hỏa, phòng độc, hạ cánh khẩn cấp trên nhiều địa hình (mặt đất, mặt nước) cũng nằm trong giáo án của nghề này. Dù đây là những nội dung chiếm phần lớn thời gian đào tạo, nhưng chính tiếp viên hàng không là những người hi vọng không bao giờ phải thực hành bài học này trong suốt thời gian làm việc. Thực tế, trong mọi trường hợp xảy ra sự cố với máy bay, phi hành đoàn sẽ là những người rời máy bay cuối cùng, chấp nhận mọi mạo hiểm cho khách hàng.
Giống như những ngành dịch vụ khác, trước mặt khách hàng, các tiếp viên hàng không luôn vui vẻ, tươi cười. Nhưng áp lực phải di chuyển liên tục, lệch múi giờ sẽ khiến không ít người mệt mỏi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.