Anh dũng trong chiến đấu
Như chúng ta đã biết, vào năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt. Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT ngày 25/3/1966, Bác Hồ đến dự và căn dặn “GTVT là một mặt trận, mỗi cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong, xã viên vận tải là một chiến sĩ”. Ngay sau Đại hội, nhiều phong trào thi đua do các Công đoàn GTVT Thủy bộ, Ô tô, Đường sắt, Đường sông đã tổ chức vận động đông đảo CNVC quyết tâm đảm bảo GTVT với tâm thế “Tất cả cho tiền tuyến”.
Cũng trong thời điểm quan trọng đó, để có một tổ chức mạnh, thống nhất trong toàn Ngành, ngày 18/11/1966 Ban thư ký (nay là Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã quyết định thành lập Công đoàn GTVT Việt Nam gồm: Công đoàn Đường sắt, Đường sông, Đường biển, Vận tải ô tô, Quản lý Đường bộ, Cục Công trình kiến thiết cơ bản, các xí nghiệp công nghiệp thuộc ngành GTVT từ Trung ương đến địa phương và cơ sở với 125.000 CNVC, 112.000 đoàn viên công đoàn, 965 cán bộ công đoàn chuyên trách thuộc 250 công đoàn cơ sở.
Ngay sau khi ra đời, bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy GTVT Trung ương và Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn GTVT Việt Nam đã vận động đông đảo cán bộ đoàn viên, CNVCLĐ thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu với khẩu hiệu: “Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta cứ đi!”, “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, “Gãy cầu như gãy xương - đứt cầu như đứt ruột”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”… Dưới mưa bom bão đạn, CBCNVCLĐ ngành GTVT cùng với các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân cả nước “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; hàng vạn đồng chí đã hy sinh trên chiến trường với những địa danh máu lửa như Hàm Rồng, Truông Bồn, Đồng Lộc, Phà Long Đại… viết lên những bản hùng ca bất hủ góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Sau khi đất nước thống nhất, Công đoàn GTVT Việt Nam đã kịp thời chuyển mục tiêu thi đua, động viên CNVCLĐ toàn ngành phát huy truyền thống dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong kháng chiến, khôi phục sửa chữa lại hệ thống GTVT vốn đã lạc hậu lại bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai. Từ năm 1975 đến hết 1985, ngành GTVT đã nỗ lực khôi phục phát triển hạ tầng GTVT từ Trung ương đến địa phương; vừa sửa chữa vừa xây dựng mới, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ đời sống nhân dân hai miền Nam, Bắc. Các công trình lớn được xây dựng như: Cầu Thăng Long, Chương Dương, Đoan Vĩ, Ròn, Âu Lâu, Kỳ Lừa, Nông Tiến, Bến Thủy… Sửa chữa và khôi phục xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam từ Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh…
Đi đầu trong đổi mới
Từ năm 1986 - 1993, đây là giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) khẳng định “GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng, phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân”. Tiếp thu tinh thần Đổi mới, Công đoàn GTVT Việt Nam đã vận dụng và xây dựng chương trình hành động, vận động CNVC đi đầu trong đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện 3 chương trình phát triển kinh tế của Đảng và thực hiện hạch toán kinh doanh trong Ngành GTVT, hoàn thành toàn diện vượt mức kế hoạch nhà nước, tuyên truyền giáo dục, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Cũng trong giai đoạn này, Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu về trước kế hoạch, phát huy sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đạt được những thành tích đáng kể; có trên 200 đề tài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và trên 32.000 sáng kiến.
Từ 1993 - 2000, Công đoàn GTVT Việt Nam đã có những chuyển biến lớn, đổi mới toàn diện về nội dung, phương pháp hoạt động phù hợp với đặc thù từng ngành, nghề trong giai đoạn đất nước hội nhập. Các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được duy trì. Nhiều công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, như công đoàn Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các vụ chức năng và các sở GTVT hưởng ứng cuộc thi Con đường đẹp Việt Nam (1998 - 2000), đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống Quốc lộ, tỉnh lộ êm thuận an toàn, hội thi Lái xe giỏi an toàn, Hạt trưởng quản lý và giữ đường giỏi, Thanh tra giao thông giỏi, Công nhân duy tu giỏi; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có cuộc thi “Thuyền trưởng, trạm trưởng quản lý đường sông giỏi”; Cục Hàng hải Việt Nam có “Phong trào xây dựng cảng vụ mẫu, dẫn dắt tàu biển qua lại vùng biển Việt Nam an toàn”; khối vận tải có cuộc thi “Giữ xe tốt, lái xe an toàn”; khối xây dựng cơ bản phát động ký giao ước thi đua, gắn biển “Công trình - Sản phẩm Công đoàn”… Phong trào lao động sáng tạo được duy trì và phát triển về chiều sâu, ở các ngành nghề mũi nhọn như: Cơ khí, đóng tàu, xây dựng cầu đường và ở các viện nghiên cứu, trường đào tạo; nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước được nghiên cứu và ứng dụng đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Ngành.
Phát huy truyền thống “Đi trước mở đường”
Từ năm 2000 đến nay, CNLĐ ngành GTVT đã có 1.543 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng với giá trị làm lợi trên 178 tỷ đồng; 49 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo và 1.113 công trình sản phẩm được công nhận. Nhiều năm liền, Công đoàn GTVT Việt Nam được Tổng LĐLĐ Việt Nam chọn và giao làm Thường trực Ban Chỉ đạo, là cụm trưởng trong các hoạt động thi đua, phối hợp, là cơ quan thường trực của phong trào thi đua 4 nhất trên công trình đường Hồ Chí Minh, Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A với quyết tâm “Chất lượng tốt nhất, tiến độ nhanh nhất, an toàn lao động tốt nhất và đời sống CNVCLĐ tốt nhất”. Đây là giai đoạn “đại công trường” khi hàng loạt các công trình, dự án được thi công từ Bắc - Nam. Trong bối cảnh khó khăn về vốn, nhưng với cách làm sáng tạo, đổi mới ngành GTVT đã huy động được nguồn lực từ xã hội hóa. Công đoàn GTVT VN đã phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền pháp luật về ATGT, Hội thi Tuyên truyền viên giỏi toàn quốc về ATGT. Công đoàn GTVT Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp phần tạo dựng đề tài văn hóa giao thông được triển khai sâu rộng trong xã hội và cộng đồng. Thông qua các phong trào thi đua, CNVCLĐ toàn Ngành đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn thực hiện tốt các nội dung thi đua “Kỷ cương, chất lượng, an toàn, hiệu quả”, “Tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”.
Hàng loạt các công trình dự án cầu, đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không được đầu tư, khởi công, khánh thành. Hơn 700km đường cao tốc, hàng nghìn km quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn, hàng trăm cây cầu vượt sông, vượt đường sắt, cầu cạn, cầu treo, cầu dân sinh, sân bay, nhà ga, bến cảng hiện đại và hệ thống đường Hồ Chí Minh nối liền từ Pắc Bó Cao Bằng tới đất mũi Cà Mau là kết tinh trí lực của đội ngũ CNVCLĐ ngành GTVT đi trước mở đường, đã thực sự góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo của đất nước. Công tác quản lý hoạt động vận tải ngày càng chặt chẽ, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chất lượng các loại hình dịch vụ vận tải ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và xã hội. Đặc biệt là phong trào thực hiện văn hóa ứng xử trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp theo phương châm “4xin, 4 luôn” tạo chuyển biến tích cực trong giao tiếp, ứng xử, tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, văn minh tại các cơ quan, doanh nghiệp, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao; tổ chức thành công Cuộc thi Tiếng hát ngành GTVT, Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Giải bóng đá mi ni toàn quốc ngành GTVT nhiều năm liền với quy mô lớn, tạo tính lan tỏa trong phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao…
Đặc biệt, thời gian qua, Công đoàn GTVT Việt Nam phối hợp với Bộ GTVT, các công đoàn ngành trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong Bộ GTVT, tổ chức thành công Hội nghị biểu dương cho hàng nghìn CNLĐ xuất sắc, tiêu biểu ngành GTVT; tổ chức thành công Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc, các cháu nghèo vượt khó học giỏi là con cán bộ, CNVCLĐ ngành GTVT các năm học; tham gia phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT tại các khu vực trên cả nước, cuộc thi viết về truyền thống Công đoàn GTVT Việt Nam “50 năm đi trước mở đường”… Các hoạt động nói trên đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNVCLĐ, tăng cường sự giao lưu, hợp tác giữa các đơn vị trong toàn ngành, tạo động lực cho CNVCLĐ ngành GTVT phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Ngành hàng năm.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân, tương ái”, được sự nhất trí của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2014, được CNVCLĐ trong Ngành đóng góp 2 ngày lương mỗi năm, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp với số tiền trên 150 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 66 nhà “Mái ấm công đoàn” cho CNLĐ, 442 “Nhà tình nghĩa” cho các cựu TNXP; tặng gần 4.000 sổ tiết kiệm cho các cựu TNXP, thăm, hỗ trợ trên 6.100 lượt CNVCLĐ trong Ngành, cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, thăm CNLĐ bị tai nạn lao động, TNGT; hỗ trợ con CNVCLĐ bị mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm chất độc màu da cam, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi, hỗ trợ chương trình mắt sáng cho người cao tuổi; thắp sáng ước mơ; trò nghèo vùng cao; tấm lưới nghĩa tình; ủng hộ ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa; Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam; xây dựng bệnh xá tặng quân và dân trên đảo Trường Sa, ủng hộ đồng bào lũ lụt... với tổng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động trên 90 tỷ đồng.
Ghi nhận thành tích đóng góp của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ngành GTVT trong giai đoạn 2000 - 2015, Chủ tịch nước đã tặng CNVLĐ ngành GTVT Huân chương Lao động hạng Nhì và thêm vào thành tích vẻ vang của ngành GTVT như Huân chương Độc lập hạng Ba (1996), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2001), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2008) và nhiều huân, huy chương, cờ thưởng các hạng cho Công đoàn GTVT Việt Nam. Nhiều đơn vị, cá nhân được tặng thưởng các phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước…
Những năm tới, đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tác động trực tiếp tới phong trào CNVCLĐ và hoạt động của tổ chức công đoàn, trong đó có Công đoàn GTVT Việt Nam. Đời sống, việc làm của một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngày càng phức tạp, tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng quyết liệt, điều kiện hoạt động, mô hình tổ chức, kinh phí của tổ chức Công đoàn sẽ có nhiều sự thay đổi đang là những thách thức lớn đòi hỏi tổ chức công đoàn phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực sự là tổ chức duy nhất đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Trong năm 2016, Công đoàn GTVT Việt Nam tiếp tục thu được kết quả toàn diện trên các mặt: Tham gia quản lý sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống, việc làm cho công nhân viên chức lao động, tổ chức các hoạt động xã hội như tuyên truyền giáo dục, xây dựng đội ngũ; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, đẩy mạnh các hoạt động nữ công; phối hợp chỉ đạo công đoàn GTVT địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện mục tiêu chung toàn ngành “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”…
50 năm, kể từ khi ra đời cho đến nay, tổ chức Công đoàn GTVT Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua mỗi kỳ Đại hội là dấu mốc ghi nhận những thành tích và đề ra nhiệm vụ quan trọng của phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Bất cứ hoàn cảnh và giai đoạn nào CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn GTVT cũng đều khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng phấn đấu vươn lên, lao động sáng tạo lập nhiều thành tích xuất sắc tô đậm truyền thống vẻ vang của ngành GTVT. Luôn đổi mới phương thức hoạt động, rút ra những bài học kinh nghiệm để phát huy, tìm ra những mặt yếu kém để khắc phục, vươn lên, Công đoàn GTVT Việt Nam tự hào là tổ chức chính trị xã hội của Đảng, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần vào sự ổn định phát triển ngành GTVT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước .
Đỗ Nga Việt - Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ GTVT
Chủ tịch Công đoàn GTVT việt nam
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.