Công nghệ cọc vít NS Ecopile

Tác giả: BẢO CHÂU

saosaosaosaosao
Ứng dụng 29/06/2015 07:33

Nhằm không ngừng đẩy mạnh hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, mới đây Tổng công ty Thăng Long và Nippon steel & Sumitomo Metal đã Ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ cọc vít NS Ecopile.

congnghegiaothong
Ký thỏa thuận hợp tác giữa Tổng công ty Thăng Long và Nippon steel & Sumitomo Metal

THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Công nghệ NS Ecopile được Tập đoàn Nippon Steel Corporation (Nhật Bản) nghiên cứu chế tạo từ 1994 và chính thức đưa vào áp dụng tại thị trường Nhật Bản từ năm 1999. Có thể khẳng định công nghệ NS Ecopile đã được công nhận rộng là một trong công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường

Cọc vít NS Ecopile là cọc ống thép được hàn cánh xoắn ở mũi cọc, giúp dễ dàng thi công, tạo khả năng chịu lực cao và sức kháng nhổ lớn. Trong quá trình thi công, máy chính sẽ xoay cọc và lưỡi cắt ở biên sẽ đào và đóng cọc vào nền đất giống như đóng vít vào gỗ. Cọc vít NS Ecopile có thể áp dụng cho cọc đường kính 100 - 1.600mm và chiều dày thép từ 6 - 25,4mm, đường kính ống soắn có thể áp dụng từ 1,5 đến 2,0 lần đường kính của cọc ống thép, đường kính cánh xoắn tối đa là 2.400mm, độ sâu xuyên cọc tối đa là 70m; khả năng chụi tải lớn hơn cọc khoan nhồi nhờ vào lưỡi cắt cánh xoắn ở mũi cọc. Với lợi thế tiết diện lưỡi cắt cánh xoắn mũi cọc lớn, cọc vít NS Ecopile có sức chụi tải lớn hơn nhiều lần so với cọc khoan nhồi.

Bên cạnh đó, cọc vít NS Ecopile có ưu điểm được triển khai thi công trong điều kiện diện tích thi công hẹp, chiều rộng cần thiết cho thi công của cọc vít chỉ khoảng từ 8 - 10m, trong trường hợp dùng máy xoay ống vách và chỉ cần 6m nếu dùng loại máy kiểu cột dẫn; trong khi đó với công nghệ cọc khoan nhồi thì chiều rộng cần thiết là trên 20m. Phương pháp thi công móng cọc dùng cọc vít NS Ecopile có thiết bị thi công rất ít, máy chính là máy xoay ống vách và chỉ có 1 cẩu bánh xích phục vụ cho máy này thi công cọc, trong trường hợp máy cột dẫn để đóng cọc chỉ cần một máy này.

Về thời gian thi của công nghệ này được rút ngắn rất nhiều, so với cọc khoan nhồi có đường kính 1.000mm thi công 4 cọc cho mỗi trụ cầu thì chu kỳ cần thiết là 3 ngày (1 ngày làm 2 ca) để tạo cọc và 2 ngày để di chuyển các máy móc thiết bị như máy khoan, xe cẩu, bồn chứa bentonite… Trong khi đó, với công nghệ NS Ecopile dùng máy xoay ống vách chỉ cần 4 cọc có đường kính 800mm cho khả năng chịu tải tương tự, thời gian thi công chỉ mất 1 ngày, thời gian di chuyển máy móc chỉ mất nửa ngày. Do đó, chu kỳ thi công cọc vít NS Ecopile chỉ bằng một nửa so với cọc khoan nhồi.

Bên cạnh đó, công nghệ này sẽ giảm tiếng ồn, độ rung chấn thấp, không gây ô nhiễm môi trường, không có đất thải, không ảnh hưởng đến nước ngầm, giảm thiểu được lượng xe máy thi công, không cần nước và xi măng, khả năng thi công nhanh, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án, thân thiện với môi trường. So sánh với phương pháp thi công cọc khoan nhồi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, vật liệu vung vãi, cần đảm bảo nguồn nước, gây tắc nghẽn và tai nạn giao thông, luôn tiềm ẩn mất an toàn khi thi công như sụp tường rỗng, tác động đến nước ngầm.

Hiện nay, cọc vít NS Ecopile đã được sản xuất tại Việt Nam từ đó giúp giảm chi phí giá thành cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công.

LUÔN CHỦ ĐỘNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ

Theo ông Vũ Hồng Phương - Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long - CTCP, thời gian qua, Tổng công ty đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới của thế giới vào thi công các dự án cầu như: Công nghệ thi công cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, cọc khoan nhồi đường kính lớn, đúc hẫng cân bằng khẩu độ lớn, dầm bê tông super T khẩu độ lớn… đã được thực hiện thành công tại nhiều dự án như: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Kiền, cầu Pá Uôn… từ đó đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ đầu tư và Tổng công ty.

Hợp tác với các đối tác nước ngoài trong việc chuyển giao công nghệ là một hướng đi quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Tổng công ty Thăng Long, từ đó học hỏi và chuyển giao kinh nghiệm giúp cho chi phí giá thành sản phẩm hạ, cạnh tranh được với các bạn hàng, đem lại hiệu quả kinh tế cho chủ đầu tư, đồng thời đưa các công trình vào phát triển bền vững.

Thời gian qua, đặc biệt năm 2014, Tổng công ty Thăng Long và các đối tác Nhật Bản đã chủ động xúc tiến gặp gỡ, đàm phán, tham quan thử nghiệm hiện trường công nghệ này, từ đó đã đi đến thống nhất ký thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ NS Ecopile. Việc chuyển giao công nghệ cọc vít NS Ecopile, Tổng công ty Thăng Long sẽ sử dụng hiệu quả công nghệ này góp phần vào phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam. Ông Phương khẳng định, đây là công nghệ khá phức tạp, nhưng với bề dày truyền thống và kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Tổng công ty hoàn toàn có thể tiếp nhận và chuyển giao thành công.

Còn theo ông Fukumura đến từ Công ty Nippon & Sumikin Enginering, cọc vít NS Ecopile là công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới hiện nay trong xây dựng các công trình giao thông. Hiện nay, ở Nhật Bản, công nghệ NS Ecopile được sử dụng rộng rãi làm cọc móng ở các công trình cầu vượt, cầu cạn, móng cho các đường tàu cao tốc ở các đô thị lớn.

Chứng kiến lễ ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao Tổng công ty Thăng Long và Nippon Steel & Sumitomo Metal trong việc đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ. Tổng công ty là một trong những doanh nghiệp lớn về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới vào các dự án hạ giao thông, việc ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ này sẽ sớm được đưa vào áp dụng tại Việt Nam. Tới đây, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đánh giá, xây dựng khung định mức để áp dụng tại Việt Nam.

Phát triển kinh tế thị trường, trong đó phát triển hạ tầng giao thông đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Bộ GTVT đã xây dựng chiến lược phát triển GTVT trên các lĩnh vực sắt, sông, biển, bộ, hàng không và đã được Chính phủ phê duyệt. Trong các lĩnh vực đó thì nhấn mạnh vào quy hoạch phát triển, đi thẳng vào ứng dụng công nghệ hiện đại của thế gới trong việc phát triển các dự án hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Về phát triển khoa học công nghệ, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án phát triển khoa học công nghệ đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Qua theo dõi, 10 năm qua Việt Nam đã áp dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến vào các dự án giao thông như: Xử lý đất yếu, nền móng đường, cầu… Thời gian tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nhiều công nghệ mới của thế giới vào phát triển hạ tầng giao thông, điển hình như cọc vít NS Ecopile.

Ý kiến của bạn

Bình luận