Một bài đăng trên Zalo để giới thiệu mặt hàng của một nữ công nhân. Ảnh: QUẾ CHI |
Tích cực đăng bài kiếm… khách
Chị Nguyễn Thị Thu đang làm công nhân (CN) tại một Cty ở KCN Đình Trám (Bắc Giang). Như nhiều CN khác, thu nhập của chị khá thấp: Nếu tăng ca được khoảng 8 triệu đồng; còn không chỉ được 5 triệu đồng. Tuy vậy, Cty nơi chị làm rất ít tăng ca. Trong khi đó, với một CN xa nhà, phải thuê trọ như chị, rất nhiều thứ phải chi tiêu. Đã đi làm CN hơn 2 năm, nhưng chị cũng chẳng dành dụm được đồng nào.
Chị đã bán hàng trang sức bạc được nhiều tháng nay theo hình thức cộng tác viên cho một người quen. Thường chị sẽ post bài lên Facbook, Zalo để tiếp cận đến các khách hàng tiềm năng, thường là trong danh sách bạn bè của chị. Dịp cuối năm này, để có thêm chút tiền tiêu, chị tích cực post bài giới thiệu hàng hơn. Mỗi một sản phẩm khách hàng đặt, chị sẽ được hưởng từ 20.000-30.000 đồng tùy theo từng giá trị của sản phẩm. Có tháng chị bán được tầm 20 sản phẩm, có tháng chỉ 10, nhưng cũng có tháng không có ai đặt mua. “Chẳng thấm vào đâu. Vì mỗi lần chuyển tiền có vài chục, nên tôi lại lấy tiêu luôn, chẳng dành dụm được. Nhưng nghĩ sắp Tết rồi, cần có thêm tiền để còn về quê, đi chơi nên tôi đẩy mạnh việc đăng bài hơn” - chị Thu chia sẻ.
Cũng bán hàng theo hình thức cộng tác viên như chị Thu, nhưng chị Nga (kỹ thuật viên tại một Cty may của tỉnh Nam Định) không chỉ một mặt hàng mà buôn đủ các mặt hàng. Vào Facebook cá nhân của chị, có thể nhận thấy, hầu hết các bài đăng là giới thiệu các mặt hàng này. Chị Nga cho hay, vào dịp cuối năm, những mặt hàng “hot” nhất là quần áo, giày dép, đồ ăn vặt như kẹo mứt, hạt hướng dương.
Sau khi đăng giới thiệu lên mạng xã hội, nếu có khách hàng đặt, chị sẽ ra cửa hàng lấy rồi ship cho khách, chứ không phải nhập trực tiếp. “Công việc chính ở Cty của tôi rất bận, hơn nữa, phải chăm 2 con nhỏ nên không tập trung vào việc buôn bán này lắm, chỉ làm thêm để kiếm chút thôi. Thường là tôi tranh thủ lúc rảnh rỗi để đăng bài, giao hàng. Khách hàng của tôi chủ yếu làm cùng Cty nên cũng đỡ phải đi lại nhiều” - chị Nga nói. Không chỉ bán hàng, chị Nga còn đang học thêm nghề tư vấn bảo hiểm. Khi được hỏi về nguồn thu từ việc buôn bán này, chị Nga cho biết, một tháng được khoảng 1-2 triệu đồng, gọi là thêm đồng mua sữa cho con, phụ giúp vào thu nhập của cả gia đình.
Chị Nga chia sẻ, nghề kinh doanh này cũng có tình huống “tai nạn” khi đăng bài xong, khách đã đồng ý nhưng lại không lấy được hàng giao cho khách, vì cuối năm, nhiều mặt hàng luôn trong tình trạng bị “cháy”. Những lúc như vậy chị rất lo vì cứ như thế, chị sẽ bị mất khách.
Lấy công làm lãi
Chị Phạm Thị Phương hiện đang làm việc tại Cty CP ALK Thái Nguyên cũng xoay xở làm thêm đủ cách để có thu nhập ngoài lương. Hiện nay, thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng trong khi phải nuôi 2 con nhỏ và thuê nhà ở trọ nên rất chật vật. Cả hai vợ chồng sau mấy năm làm việc ở Thái Nguyên không để ra được khoản tiết kiệm nào. Chính vì vậy, chị Phương đăng bán trên Facebook, Zalo các mặt hàng hải sản tươi sống và hải sản khô do ông bà ngoại ở Quảng Bình gửi ra. Công việc làm thêm này khá vất vả, bởi sau khi đi làm về, chị Phương mới có thời gian đi giao hàng hoặc ship đồ cho người đặt mua. Theo chị Phương, thu nhập từ bán đồ hải sản chủ yếu lấy công làm lãi. Rất may, một số hải sản chị sơ chế qua được mọi người nhiệt thành mua ủng hộ.
Đó chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp CN đang phải xoay xở kinh doanh online để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chia sẻ với phóng viên, họ đều mong làm công việc chính xong rồi nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, nhưng do đồng lương thấp, còn nhiều thiếu thốn, nhất là dịp cuối năm nên họ đành phải nghĩ cách kiếm thêm, cải thiện cuộc sống.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.