Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines tại Diễn đàn ngày 5/12. Ảnh: Ngọc Thành |
Tại Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam vừa qua, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines cho rằng vấn đề hạ tầng sân bay đang là thách thức rất lớn, là nút cổ chai tạo thành điểm nghẽn đối với phát triển du lịch.
Ông cho biết, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam chỉ thực sự xây mới hoàn toàn và đưa vào vận hành sân bay Phú Quốc và mới nhất là sân bay Vân Đồn, còn lại hầu hết được nâng cấp từ sân bay quân sự trên những quỹ đất hạn chế, khiến khả năng mở rộng rất ít.
Hiện Việt Nam có 21 sân bay, trong khi con số này của Thái Lan là 38. Công suất của toàn bộ sân bay Việt Nam là 75 triệu khách mỗi năm, theo ông chỉ bằng một phần ba của Thái Lan. Ông cũng so sánh công suất toàn bộ các sân bay của Việt Nam cộng lại mới bằng một sân bay lớn nhất ở Bang Kok (Thái Lan), Changi (Singapore) cũng như Kuala Lumpur (Malaysia).
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra tình trạng quá tải của hạ tầng hàng không Việt Nam. Công suất phục vụ là 75 triệu khách mỗi năm, nhưng thực tế năm ngoái, các sân bay phục vụ 95 triệu và năm nay dự kiến là 105 triệu. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất có công suất lớn nhất thì công suất là 25 triệu khách và đã quá tải nhiều năm nay nhưng việc nâng cấp rất chậm chạp.
"Chúng ta thử hình dung một căn nhà được thiết kế cho 25 người nhưng năm ngoái có 36 người sinh sống và năm nay dự kiến có 40 người. Cảnh hành khách kéo vali chạy bộ vào sân bay vì tắc đường xảy ra nhiều lần được báo chí trong và ngoài nước đăng tải làm xấu đi hình ảnh ngành hàng không nước ta và điểm đến du lịch Việt Nam", ông nói.
Ông Nam cũng đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng hạ tầng sân bay. Trong đó, vấn đề mấu chốt là khuyến khích, tạo điều kiện cho tư nhân xây dựng nhà ga, sân bay mới như cách đã làm với sân bay Vân Đồn.
Tinh chỉnh cơ sở hạ tầng hàng không, trong đó có việc cho phép tư nhân tham gia cũng là một trong bốn đề xuất quan trọng mà ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần HG đưa ra nhằm phát triển du lịch của Việt Nam.
Cũng liên quan đến câu chuyện phát triển hàng không, trao đổi bên lề sự kiện, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh cũng cho rằng nhu cầu tăng trưởng của ngành hàng không còn dư địa lớn. So sánh với một số nước du lịch rất phát triển như Thái Lan thì số hãng hàng không của Việt Nam hiện chỉ bằng một phần ba, chưa nói đến chất lượng phục vụ. Do đó, ông cho rằng Việt Nam nên tạo cơ hội phát triển thêm nhiều hãng hàng không mới.
Ông cũng cho rằng, hiện Việt Nam giữ tỷ lệ cho doanh nghiệp nước ngoài sở hữu trong doanh nghiệp hàng không tương đối thấp so với các nước trong khu vực, chỉ khoảng 30%. Trong khi một số nước đã nới tới 100% như Campuchia hay Myanmar là 49%. Theo ông, tỷ lệ này nên được mở rộng hơn để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.