Nếu như Vinfast gây tiếng vang trên khắp Việt Nam bằng tuyên bố sẽ sản xuất xe điện thương hiệu Việt 100% vào năm 2020 thì một công ty khác cũng đang gây sốc tương tự trên thế giới. James Dyson - một nhà phát minh người Anh và cũng là một tỷ phú Anh, người thành lập nên đế chế đồ điện Dyson – đã tham gia vào lĩnh vực này. Ông vừa tuyên bố rằng công ty mình sẽ dành ra 2,7 tỷ USD để sản xuất nên một chiếc xe điện “đáng mặt Dyson” vào năm 2020.
Hiện giờ thì vẫn chưa có thông tin cụ thể nào, theo như email mà ông Dyson gửi nhân viên của mình, thì mọi người phải giữ bí mật hoàn toàn dự án ô tô mà họ đang sản xuất. Tuy nhiên, ông có xác nhận rằng mình đã quy tụ được một đội ngũ kĩ sư chế tạo ô tô đầy kinh nghiệm, hiện có 400 người.
Những sản phẩm đồ điện nổi tiếng của ông hiện có máy hút bụi không túi, quạt không cánh và rất có thể, bạn đã nhìn thấy chữ “Dyson” xuất hiện trên máy sấy tay trong nhà vệ sinh rồi. Phải nói thêm rằng đây đều là những thứ hàng cực tốt, nhưng chưa chắc chiếc ô tô mà Dyson dựng nên sẽ được như thế.
Ngành ô tô điện không hề “dễ nhằn”, gần đây nhất nó đã chôn vùi DeLorean, Fisker và Aptera. Ông lớn như Tesla cũng chưa làm nên đồng lãi lớn nào. Gã khổng lồ công nghệ Apple cũng muốn phần bánh thơm ngọt này, nhưng vừa mới phải giảm quy mô đầu tư xuống, sau khi nhận ra việc sản xuất xe ô tô khó nhường nào. Những lão làng trong ngành xe hơi cũng chưa có tiếng nói lớn trong mảng ô tô điện.
Khoản đầu tư nhiều tỷ USD này của Dyson có vẻ lớn, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với những công ty hiểu rõ việc đầu tư sản xuất xe hơi tốn kém như thế nào. Daimler tuyên bố họ sẽ bỏ 10 tỷ USD vào việc sản xuất xe điện và pin mới, Tesla cũng sẽ sớm bỏ ra số tiền tương tự để đầu tư. Tuy vậy, Dyson có những thế mạnh riêng của mình.
“Dyson có thể sử dụng hình ảnh vốn có của những sản phẩm hút bụi và kinh nghiệm thiết kế của mình để vươn lên”, Arthur Wheaton, chuyên gia ngành sản xuất ô tô tại Đại học Cornell nói với tạp chí Wired. “Họ có cơ hội để trở thành một nhà đầu tư đáng tin tưởng, như Tesla trong những ngày đầu nhưng mà trời ơi, quả đồi ấy quá dốc để mà leo nhanh”.
Chưa hết, họ cũng có những bước đệm rõ ràng để tiến vào ngành xe điện.
- Đầu tiên, họ đã đầu tư phát triển một nguồn điện chạy xe của riêng mình rồi. Cụ thể, đó là việc mua lại Sakti3 – một công ty chuyên nghiên cứu pin thể rằng – hồi năm 2015. Công nghệ này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, nhưng nó hứa hẹn sẽ nhẹ và hiệu quả hơn pin lithium-ion hiện tại.
- Thứ hai, Dyson có đầy mình kinh nghiệm trong việc phát triển động cơ điện. Họ cũng vẫn không ngừng cải tiến nó. Những thứ động cơ điện ấy có mặt trong điều hòa nhiệt độ, bơm nước, máy móc hạng nặng, ... nhiều đến mức chúng sử dụng 40% điện năng toàn cầu. Vậy là họ có một nền tảng động cơ điện vữn chắc để mà phát triển xe điện.
- Thứ ba, sản phẩm của Dyson luôn được chế tạo theo nguyên tắc tối ưu hóa được khí động lực học. Ấy sẽ là lợi thế cho Dyson khi họ chế tạo ra ô tô: những chiếc xe sẽ lướt như gió trên đường lớn, vừa tiết kiệm được điện khi không còn bị cản gió nhiều, lại vừa tạo cảm giác lái tuyệt vời cho tài xế.
Nói đi cũng phải nói lại, những thế mạnh ấy không thể làm nên một công ty sản xuất ô tô điện thành công ngay được: họ phải lo tới khâu công nghệ, khâu sản xuất, số lượng hàng bán ra và hàng bán được, ... Vô vàn thứ.
Có lẽ ông Dyson có thể bắt tay với những nhà sản xuất ô tô lão làng ngay trên đất nước Anh cổ kính. Nơi đó có Aston Martin, có Lotus, TVR hay MG. Họ đều có thể là những cánh tay đắc lực. Trong quá khứ, Dyson lại có tiếng là thích giữ bí mật những công nghệ họ phát triển được, nhưng nếu ông James Dyson muốn thực sự thay đổi thế giới và tạo được tiếng vang như chính lời ông nói, thì ông chắc chắn sẽ cởi mở hơn.
Nếu như Dyson có thể thành công trên cuộc đua xe điện này, thì toàn ngành sản xuất mới mẻ này sẽ chẳng làm được gì, ngoài việc ngả mũ thán phục.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.