Chúng tôi là những người lao động làm cho một công ty Việt Nam ở Chương Mỹ, Hà Nội trong thời gian khá dài (từ 3-5 năm). Nhưng chưa một lần, công ty đề nghị ký hợp đồng lao động. Mức lương chúng tôi nhận được thấp hơn mức thu nhập tối thiểu vùng như quy định. Những ngày lễ tết không được chế độ gì. Gần đây nhất, ngày 10/1/2016 tập thể lao động có đình công yêu cầu ký hợp đồng lao động thì lãnh đạo công ty chỉ chịu tăng lương vài trăm ngàn đồng nhằm xoa dịu tinh thần. Xin luật sư cho biết chúng tôi có thể kiện công ty làm trái quy định pháp luật lao động không? Kiện ở đâu, thủ tục thế nào? Công ty này không có công đoàn.
Chúng tôi muốn khởi kiện công ty có được không? (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Về vấn đề đình công.
Khoản 2 điều 209 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 206 của Bộ luật này.”
Khoản 3 điều 206 Bộ luật lao động 2012 quy định:
“3. Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.”
Theo quy định này thì việc đình công chỉ được thực hiện và hợp pháp khi đáp ứng quy trình và thời gian của Bộ luật lao động quy định. Để tổ chức được đình công phải thông qua hòa giải viên, rồi hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh. Nên nếu các bạn đình công tự phát không theo trình tự quy định của Bộ luật lao động thì đình công không hợp pháp.
Thứ hai: Về giao kết hợp đồng lao động
Theo Điều 18 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động như sau:
“1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người”.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì trường hợp của các bạn phải được người sử dụng lao động đăng ký đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.”
Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể đối thoại với lãnh đạo công ty để thực hiện các thủ tục ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp gặp khó khăn, bạn có thể đề nghị đến Phòng Lao động - thương binh và xã hội cấp quận/huyện nơi công ty có trụ sở.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.