Khách du lịch tại Sun World Ba Na Hills |
Theo con số của Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố, ước tính trong vòng 3 tháng tới, ngành du lịch sẽ mất trắng 5,9 – 7,7 tỷ USD tương ứng với lượng sụt giảm du khách cả quốc tế và nội địa lên tới gần 30 triệu lượt vì Covid-19. Các dịch vụ liên quan như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm đều bị “thổi bay” trung bình 1 – 1,8 tỷ USD mỗi ngành.
Dịch “đánh” đúng thời điểm mùa du xuân, lễ hội nên thiệt hại lại càng nặng nề. Hầu hết các đơn vị lữ hành, khách sạn những ngày này đều bị ám ảnh bởi những thông tin "hủy tour, hủy phòng, hủy vé". Không chỉ những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những “ông lớn” trong ngành du lịch bắt đầu “thấm đòn”. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc công ty lữ hành Vietravel cho biết, hiện khoảng 70% khách hàng tại Việt Nam và 6 quốc gia Vietravel đặt văn phòng đã hủy tour hoặc dời ngày khởi hành vì e ngại dịch bệnh. Là Tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, Sun Group cũng không nằm ngoài “tâm bão”. Ông Đặng Minh Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết, lượng khách đến với lượng khách đến với các khu Sun World trong 2 tháng qua sụt giảm mạnh. Sun World Fansipan Legend sụt giảm tới 70%, Sun World Ba Na Hills giảm tới 65%, Sun World Halong Complex giảm 85%...
Có thể thấy, chưa khi nào du lịch Việt lại hứng chịu một cơn “bạo bệnh” lớn đến thế. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là mặc dù đang phải gồng mình chống chọi, ngành du lịch lại thể hiện khả năng ứng phó nhanh, kịp thời đưa ra những giải pháp bài bản và chuyên nghiệp để xoay chuyển tình hình.
Hàng loạt các liên minh kích cầu, chương trình kích cầu được thành lập, triển khai nhằm vực dậy hoạt động du lịch. Mới đây nhất, Tổng cục Du lịch Việt Nam (TCDLVN) ban hành Chương trình kích cầu quốc tế và nội địa ứng phó với dịch Covid-19, huy động sự tham gia tích cực của tất cả các đối tượng từ các địa phương, doanh nghiệp du lịch, hàng không, cơ quan truyền thông… Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng đã kịp thời tung ra các chương trình quảng bá, khuyến mãi, ưu tiên nhắm vào thị trường khách nội địa vì đây được xem là “át chủ bài” để phục hồi du lịch.
Hậu Covid-19 – những thay đổi sống còn
Năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, 400.000 du khách nước ngoài huỷ tour đến Việt Nam. Năm nay với Covid-19, thiệt hại lên tới hàng triệu du khách và hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực, Covid-19 như một “phép thử”, một lần tổng duyệt khả năng ứng phó, thử thách bản lĩnh của du lịch Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhận định: “Doanh nghiệp du lịch (DNDL) phải coi đây không chỉ là giai đoạn nguy cơ, khó khăn của mình, mà là điều kiện thuận lợi để mình xem xét đánh giá lại chiến lược phát triển, năng lực của doanh nghiệp, từ đó có bước phát triển tiếp theo một cách bền vững”.
Thời gian qua, nhiều DNDL đã chủ động xoay chuyển tình thế với nhiều giải pháp. Công ty du lịch Lửa Việt đang tiến hành tái cơ cấu hoạt động, điều động hướng dẫn viên qua làm mới danh sách khách hàng, tham gia huấn luyện nhân sự hoặc chuyển làm nhân viên kinh doanh, xây dựng lại tour tuyến mới... Đại diện Sun Group cũng cho biết, tập đoàn này đã buộc phải triển khai những giải pháp ứng phó ngay lập tức như: tái cơ cấu bộ máy nhân sự, sắp xếp, bố trí lại công việc; một số vị trí nhân sự ở khách sạn, khu vui chơi, giải trí được bố trí nghỉ luân phiên…
Tuy nhiên, cùng với việc “đổi mới” chính mình, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để có thể tăng sức đề kháng cho ngành du lịch vượt qua khủng hoảng Covid-19, cần có một chương trình hành động cấp quốc gia.
Theo ông Đặng Minh Trường –Chủ tịch HĐQT Sun Group: “Trong bối cảnh này, ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng rất cần sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương để có thể cứu vãn hoạt động du lịch”. Đại diện Sun Group cũng có những đề xuất triển khai chiến dịch phục hồi Du lịch ở hai giai đoạn: “Sống chung với dịch” và “Phục hồi sau dịch”.
Cụ thể, ở giai đoạn “Sống chung với dịch”, bên cạnh những giải pháp kích cầu du lịch trong nước và quốc tế theo Công văn mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới để cung cấp cho du khách nhiều lựa chọn tham quan, vui chơi giải trí cũng rất cần thiết. Cần tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án cải tạo, xây dựng những sản phẩm du lịch, công trình mới, đặc biệt là các dự án, sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm nhằm thu hút du khách vui chơi, tiêu tiền.
“Để hỗ trợ một cách thiết thực các doanh nghiệp du lịch ngay trong giai đoạn này, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 50% thuế VAT & thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020, cho phép chậm nộp thuế VAT quý 4-2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, đề xuất lùi sang quý 3 hoặc quý 4-2020”, ông Trường nói.
“Ở giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau dịch, chúng ta cần tăng cường triển khai chiến dịch “VietnamNow” trên khắp các thị trường quốc tế tiềm năng, với những chương trình ưu đãi hấp dẫn, những điểm đến mới, sản phẩm du lịch độc đáo, nhấn mạnh những sản phẩm du lịch về đêm mới mẻ được triển khai tại các thành phố lớn. Đặc biệt triển khai quảng bá riêng về du lịch tàu biển với các chương trình khuyến mãi sâu, hấp dẫn du khách ở các thị trường khách phù hợp như: Nhật Bản, Tây Âu… Triển khai mạnh mẽ các sự kiện lớn rộng khắp cả nước, đặc biệt là tại những điểm đến nổi tiếng như: Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Carnival quốc tế, Lễ hội Mùa đông…. để thu hút sự quan tâm của du khách” – đại diện Sun Group đề xuất.
Du lịch Việt đã có một khởi đầu năm mới không suôn sẻ. Tuy nhiên, cùng với những biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực hiện rất quyết liệt, ngành du lịch cũng đang có những thay đổi mạnh mẽ, kịp thời và mang tính bền vững để ứng phó với tình hình mới. Dịch bệnh corona một cách nào đó là giúp các doanh nghiệp được thanh lọc, điều chỉnh để “tăng sức đề kháng” cho chính mình, đón đầu cho những bước phát triển mới tốt đẹp hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.