Chiều 26/10, Đội CSGT số 15 (Phòng CSGT - Công an TP.Hà Nội) lập chốt thực hiện kiểm soát chuyên đề nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông trên QL3, gần nút giao Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội.
Trong khoảng 1 tiếng triển khai, Tổ công tác của Đội CSGT số 15 đã dừng, kiểm tra nồng độ cồn khoảng 20 chủ phương tiện, gồm một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Điển hình là tại thời điểm kiểm tra, anh H.M.H (trú tại Bắc Giang) điều khiển xe mô tô BKS 30X8-51xx có kết quả đo nồng độ cồn là 0,141 mg/l. Trường hợp ông N.V.H (Sóc Sơn, Hà Nội) điều khiển mô tô BKS 29Z8-06xx có kết quả đo nồng độ cồn là 0,199 mg/l. Trường hợp ông L.V.T (Sóc Sơn, Hà Nội) điều khiển mô tô BKS 35N7-25xx có kết quả đo nồng độ cồn là 0,248 mg/l;…
Trường hợp ông N.V.H có kết quả đo nồng độ cồn là 0,199 mg/l
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, tất cả những người bị kiểm tra nồng độ cồn đều chấp hành theo yêu cầu của CSGT. Đặc biệt, nhiều người ngỡ ngàng khi thấy CSGT ra tín hiệu dừng xe mình nhưng sau khi được thông báo rằng, lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm soát nồng độ cồn, tất cả những người này đều cho thấy sự vui vẻ chấp hành, bởi họ cùng cho rằng, đây là việc làm rất cần thiết, cho thấy cơ quan chức năng đang làm rất nghiêm đối với vi phạm nồng độ cồn.
Lực lượng CSGT liên tiếp dừng, kiểm tra nồng độ cồn hàng chục phương tiện trong khoảng giờ trưa ngày 26/10/2022
Tại chốt kiểm soát, chia sẻ với phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, một cán bộ CSGT cho hay, địa bàn là khu vực ngoại thành Thủ đô nên hoạt động của các hàng quán bia, rượu không sôi động như trong khu vực nội đô. Mặt khác, người dân tại khu vực hầu như đi làm ăn xa, hoặc lao động phổ thông chiếm phần lớn. Vì vậy, vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn không quá nhiều, đặc biệt là đã giảm rất đáng kể xuyên suốt thời gian qua. Bởi, đài, báo tuyên truyền rất nhiều và thực tế trên đường, CSGT rất "mạnh tay" xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, Đại úy Đằng Hoàng Tân - cán bộ Đội CSGT số 15 chia sẻ, kiểm soát nồng độ cồn là một công việc rất vất vả, bởi nhiều yếu tố. Dễ thấy, giờ thực hiện chuyên đề thường vào các khung giờ trưa và giờ sau bữa cơm chiều. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ CSGT thường phải có sự chuẩn bị về sức khỏe.
Cùng với đó, những người vi phạm nồng độ cồn rất dễ bị kích động và thường có những lời nói, hành động không hay, không chấp hành, thậm chí là quá khích đối với lực lượng chức năng. Vì vậy, bản thân cán bộ CSGT khi thực hiện chuyên đề này cũng cần hết sức nhẹ nhàng, kiên nhẫn, vận động từng người chấp hành yêu cầu kiểm tra,…
"Người vi phạm nồng độ cồn thường viện dẫn rất nhiều lý do, hoàn cảnh để xin CSGT thông cảm; hoặc có những hành động khiêu khích lực lượng chức năng, gọi điện thoại xin trợ giúp; bỏ lại phương tiện;… Dù bất cứ lý do gì, chúng tôi kiên quyết xử lý tất cả vi phạm nồng độ cồn", Đại úy Đằng Hoàng Tân cho hay.
CSGT kiên quyết xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, bao gồm tạm giữ phương tiện, ngăn chặn việc người có nồng độ cồn tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Cũng theo Đại úy Đằng Hoàng Tân, thực hiện chỉ đạo của Công an TP.Hà Nội, lực lượng CSGT toàn thành phố đang tích cực xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm giảm thiểu vi phạm, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, môi trường giao thông văn minh, an toàn.
Theo lãnh đạo Đội CSGT số 15, nhiều tháng qua, đơn vị đã tiến hành điều tra cơ bản, nắm tình hình các quán nhậu tại địa bàn để bố trí lực lượng một cách linh hoạt, chủ động. Đơn vị cũng kết hợp hóa trang và công khai khi phát hiện người tham gia giao thông có biểu hiện vi phạm xe tiến hành dừng xe bảo đảm xử lý đúng đối tượng.
Theo thống kê mới được công bố của Cục CSGT, sau 3 tháng thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT (từ 20/6/2022 đến 20/9/2022), CSGT toàn quốc xử phạt 110.774 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó có 624 trường hợp chủ xe tải; 6.641 trường hợp xe con; 83 trường hợp xe khách; 103.122 trường hợp xe mô tô,…. Đối với lỗi vi phạm này, CSGT toàn quốc phạt tiền hơn 500 tỷ đồng; tạm giữ 110.774 phương tiện; tước GPLX 69.358 trường hợp. So với cùng thời gian trước liền kề, xử phạt tăng 47.315 trường hợp, tiền phạt tăng hơn 200 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 3 tháng cao điểm đã xảy ra 2.595 vụ TNGT, làm chết 1.406 người, bị thương 1.828 người. So với thời gian trước liền kề, giảm 360 vụ, giảm 239 người chết, giảm 148 người bị thương.
Lãnh đạo Cục CSGT khẳng định, qua 3 tháng triển khai cao điểm đã tạo được chuyển biến tích cực, tuyên truyền, hướng dẫn vận động nhân dân, doanh nghiệp tạo được uy tín của lực lượng CSGT trong đó có việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.