CTCP giống-vật tư nông nghiệp công nghệ cao VN:Thành công nhờ đẩy mạnh KH&CN

Tác giả: Công Minh

saosaosaosaosao
25/04/2017 14:37

Công ty Cổ phần giống vật tư - nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2012. Sau gần 5 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN, công ty đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: nhiều giống cây trồng được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, 2 sản phẩm được trao Giải thưởng Bông lúa Vàng, làm chủ nhiều công nghệ mới…Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần giống vật tư - nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam.

Lan ho điệp
Giống Lan hồ điệp do công ty sản xuất

Xin bà giới thiệu đôi nét về Công ty Cổ phần giống vật tư - nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Tâm: Công ty Cổ phần giống vật tư - nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 7/1/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ trên cơ sở Trung tâm Giống cây trồng Phú Thọ (ra đời năm 1998). Tháng 8/2012, Công ty chính thức được công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Với gần 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, chuyển giao các tiến bộ KH&CN, Công ty đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống lúa, ngô, đậu, rau màu, hoa cây cảnh và cây ăn quả; nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Xác định vai trò chiến lược của KH&CN trong phát triển, những năm qua, Công ty luôn ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Với hệ thống trung tâm, trạm nghiên cứu được đầu tư trang thiết bị hiện đại đồng bộ. Hàng năm, Công ty đã cung ứng cho thị trường hơn 100.000 lít phân bón lá cao cấp, hơn 2.000 tấn giốnglúa, ngô, rau, đậu đỗ, hơn 15.000 giống cây ăn quả, hơn 7 triệu cây giống lâm nghiệp, 30.000 cành hoa lan hồ điệpchất lượng cao cùng hàng chục nghìn tấn khoai tây sạch bệnh cho các khu vực trong và ngoài tỉnh.

Những thành công đạt được của Công ty trong thời gian qua là rất ấn tượng. Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Tâm: Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ một đơn vị hành chính sự nghiệp có thu sang mô hình doanh nghiệp cổ phần, Công ty đã gặp nhiều khó khăn, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn… Để thoát khỏi tình trạng đó và có được thành công như hôm nay, có thể nói, Công ty đã đề ra định hướng chiến lược đúng đắn:

Trong thời gian qua, Công ty tập trung cho nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, coi KH&CN là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.Trong những năm qua, Công ty đã thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh như: Khảo nghiệm tập đoàn các giống lúa thảo dược tại địa bàn tỉnh Phú Thọ; Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất phân bón lá phức hữu cơ Pomior nhằm nâng cao năng suất và chất lượng một số cây trồng nông nghiệp; Xây dựng mô hình công nghệ khí canh sản xuất củ giống khoai tây sạch bệnh ở tỉnh Phú Thọ….

Bên cạnh đó, công ty tập trungđào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật mới hiện đại, phù hợp. Xác định con người là yếu tố quyết định mọi thành công, Công ty đã quan tâm đầu tư thích đáng cho đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nhân lực kỹ thuật cao trong quản lý và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Công ty đã mạnh dạn đưa công nhân và cán bộ kỹ thuật đi đào tạo ở nước ngoài với sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia nước sở tại kết hợp với chuyên gia nông nghiệp trong nước. Việc kết hợp chuyên gia trong và ngoài nước trong việc đào tạo cán bộ kỹ thuật đã giúp cho công tác đào tạo có kết quả nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí rất lớn. Công ty đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật mới tương đối hiện đại phù hợp với điều kiện, khả năng tài chính của mình, phù hợp với năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành để tạo điều kiện đón nhận những tiến bộ kỹ thuật, những dự án KH&CN mới phục vụ cho chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, công ty không ngừng củng cố mối quan hệ giữa Công ty với nông dân, chủ trang trại, các công ty nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố trong cả nước; nắm bắt thông tin thị trường, mở rộng thị trường KH&CN thông qua các mô hình ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp. Trong những năm qua, Công ty đã nỗ lực không ngừng xây dựng các mô hình ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh bạn như:mô hình ứng dụng phân bón phức hữu cơ Pomior để sản xuất rau an toàn, cà phê và hồ tiêu với hàng chục ha tại Sơn La, Đắc Lăk và Lâm Đồng, mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng cho bà con nông dân tại các địa phương này; mô hình ứng dụng phân bón phức hữu cơ Pomior để nhân giống cây lâm nghiệp tại Phú Thọ đã tạo ra hàng triệu cây giống có chất lượng tốt, sinh trưởng nhanh và sạch bệnh; mô hình sản xuất giống lúa và lúa thành phẩm tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang, Lào Cai… đã góp phần phát triển các giống kỹ thuật cao, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo trên địa bàn cả nước, đem đến lợi nhuận cho bà con nông dân hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Đặc biệt, Công ty luôn đổi mới công tác quản lý kỹ thuật theo hướng sâu sát, nghiêm khắc, cụ thể tới từng chi tiết nhỏ nhất của các quy trình công nghệ. Chuyên gia nông nghiệp của Công ty phải là người chỉ đạo chính, trực tiếp chịu trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng; nắm vững quy trình công nghệ và hướng dẫn trực tiếp từng chi tiết nhỏ trong thao tác công việc, trong chỉ đạo thực hiện quy trình công nghệ kỹ thuật cao cũng như kỹ thuật sản xuất nông nghiệp truyền thống. Định hướng này đã giúp Công ty hạn chế được nhiều rủi ro trong việc thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN tưởng như vượt quá tầm năng lực của Công ty. Công ty luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, nêu cao mục đích, tôn chỉ trong sản xuất kinh doanh của Công ty là “Vì một nền nông nghiệp Việt Nam thịnh vượng bền vững”.Bên cạnh đó, Công ty luôn tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương; các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước, hướng tới việc tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nhà quản lý- nhà khoa học và nông dân.

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp mình, có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp KH&CN?

Bà Nguyễn Thị Tâm: Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho hoạt động KH&CN nói chung, các doanh nghiệp KH&CN nói riêng, tuy nhiên việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp KH&CN hay doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách về tín dụng, thuế đất, thời gian thuê đất…

Là một doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước có nhiều ưu đãi phát triển ngành giống, đặc biệt là giống cây trồng. Việt Nam là nước nông nghiệp, sản lượng xuất khẩu lúa gạo, cà phê… đứng hàng đầu thế giới. Nhưng thực tế, theo tôi nghĩ kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Để đa dạng hóa nguồn giống, mặt hàng kinh doanh, Công ty chúng tôi đang xúc tiến liên doanh, liên kết với một số công ty của Nhật Bản trong việc mở rộng sản xuất các giống lúa gạo chất lượng cao thuộc chủng Japonica trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố khác trên phạm vi cả nước để xuất khẩu sang Nhật Bản vào năm 2018. Nếu có được sự đầu tư nghiên cứu đủ tầm trong chọn tạo giống, tôi nghĩ chúng ta sẽ có được nhiều giống lúa có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Từ thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong thời gian qua, chúng tôi xin kiến nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu cải tiến một số thủ tục hành chính trong việc xét duyệt, thẩm định cũng như nghiệm thu các đề tài, dự án, tránh quá nhiều khâu trung gian. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có cơ chế hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN thông qua triển lãm, hội chợ, xây dựng kênh thông tin kết nối để giới thiệu các sản phẩm KH&CNmới với các nhà đầu tư, môi giới công nghệ với các doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn

Bình luận