Cty CPTM-Vận tải Thái Hà “Tiên phong” khai thác tuyến vận tải ven biển

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Doanh nhân 08/02/2016 07:50

Với những bước đi và tính toán hợp lý, trong những năm qua, Cty Cổ phần TM và vận tải Thái Hà luôn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Với những bước đi và tính toán hợp lý, trong những năm qua, Công ty Cổ phần TM và vận tải Thái Hà luôn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả và có nguồn tài chính lành mạnh, dồi dào, có uy tín lớn đối với các ngân hàng cung cấp tín dụng, doanh thu hàng năm đạt từ 800 - 1.000 tỷ đồng.

Tau cho hang cua cong ty Thai ha
Tàu vận chuyển của công ty Thái Hà

Công ty Cổ phần TM và Vận tải Thái Hà được thành lập ngày 22/8/2003 với số vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh là 150 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của Công ty là vận tải đường bộ, bốc xếp và dịch vụ vận tải nội địa; đầu tư xây dựng hạ tầng và kinh doanh bất động sản; mua bán, khai thác và thu gom than các loại cung cấp cho các nhà máy xi măng và nhiệt điện; mua bán xi măng, clinker, phụ gia sản xuất xi măng; vận tải  hàng hóa ven biển và viễn dương, vận tải đường thủy nội địa.

Bước sang năm thứ 13, hiện nay, đội tàu vận tải đường thủy của Công ty đạt 100.000 - 150.000 tấn/tháng, số lượng tàu chạy tuyến ven biển (cấp VR - SB) có trên 20 phương tiện, trung bình trọng tải từ 1.000 - 2.000 tấn/phương tiện, tàu biển Thái Hà 18 trọng tải 3.150 tấn, tàu biển Thái Hà 19 trọng tải 3.150 tấn, tàu biển quốc tế Thái Hà 26 trọng tải 4.367 tấn. Đội ngũ thuyền viên và thuyền trưởng giàu kinh nghiệm, gắn bó nhiều năm với Công ty, cán bộ điều hành giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm.

Với năng lực của mình, Công ty hiện đang là nhà phân phối hàng đầu của Công ty xi măng Phúc Sơn và Công ty xi măng Hoàng Thạch, cung cấp các loại phụ gia phục vụ sản xuất xi măng cho các nhà máy sản xuất xi măng, cung cấp than cho các nhà máy sản xuất xi măng và nhiệt điện hàng tháng lên tới 150.000 tấn/tháng.

Ông Trần Đức Lanh - Giám đốc Công ty cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt siết chặt tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ, hàng hóa dần dịch chuyển sang phương thức vận tải ven biển. Việc vận chuyển bằng tuyến ven biển rất phù hợp với các tuyến vận tải cự ly ngắn, các tàu có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương hoặc cảng thủy nội địa, cảng biển, đặc biệt là các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, khu công nghiệp thường nằm sâu trong nội địa nên việc sử dụng tàu nhỏ vào sâu các cảng, bến thủy nội địa để chở hàng rất thuận lợi. Hơn nữa, việc phát triển tuyến vận tải ven biển vừa giảm thiểu hư hỏng cơ sở hạ tầng cho đường bộ, vừa giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi và giảm ùn tắc, TNGT.

Ông Lanh cũng khẳng định, đây là cơ hội tốt để tạo ra “sân chơi” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia vào thị trường vận tải ven biển nội địa.

Trong quá trình xây dựng phương án cho tuyến ven biển, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ động tiến hành các công tác khảo sát và tổ chức các cuộc họp với các doanh nghiệp vận tải để tìm hiểu và nắm bắt các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ đối với việc vận chuyển hàng hóa trên tuyến VR-SB nhằm san tải cho đường bộ, đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Với đội tàu hiện có, kể từ khi Bộ GTVT mở tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang, Công ty đã sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng vận chuyển từ Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh đi các tỉnh miền Trung và xa hơn nữa để “vươn cánh tay” đến các địa phương phía Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận