Cứ 6 ca tử vong thì có 1 người chết vì ô nhiễm môi trường |
Ô nhiễm chết chóc
Chúng ta đều biết rằng ô nhiễm nói chung đều gây nguy hại tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, thống kê mới được xuất bản trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy chúng đã trở thành những mối đe dọa thực sự. Cụ thể, trong năm 2015, cứ 6 người thiệt mạng trên toàn thế giới thì có 1 người trong số đó chết vì ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất hoặc nơi làm việc. Con số này tương đương với khoảng 9 triệu người. Để dễ hình dung, điều này có nghĩa ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong cao gấp 3 lần so với bệnh lao, AIDS hay sốt rét.
Theo Futurism, trong số 9 triệu người chết này, 92% số vụ xảy ra ở những quốc gia kém phát triển, cho thấy sự chênh lệch quá lớn về kinh tế và xã hội giữa các khu vực. Những nền kinh tế đang phát triển phải chịu gánh nặng về tài chính để chống lại các nguyên nhân gây ô nhiễm (chi phí liên quan ước tính lên tới 4,6 nghìn tỷ USD mỗi năm), đồng thời phải xử lý các hậu quả mà nó gây ra. Vấn đề này sẽ chỉ tiếp tục trầm trọng hơn trừ khi các biện pháp can thiệp được đưa ra – khi các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất không thể tự mình đưa ra các quyết định lớn.
Philip Landrigan, giáo sư tại trường ĐH Y Icahn tại Mount Sinai, đồng trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Ô nhiễm không chỉ là thách thức về môi trường – nó còn là một mối đe dọa rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của sức khỏe và phúc lợi con người".
Những hậu quả nghiêm trọng
Nghiên cứu này được thực hiện bởi 40 nhà khoa học quốc tế. Họ đã sử dụng dữ liệu từ tổ chức Global Burden of Disease (tạm dịch: Gánh nặng Bệch dịch Toàn cầu) của WHO và Viện Đánh giá & Nghiên cứu Y tế của Đại học Washington, Mỹ. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã không những chỉ ra rằng ô nhiễm là một vấn đề chết chóc mang tính toàn cầu, mà còn cả sự chệnh lệch quá lớn giữa các quốc gia giàu có và các quốc gia nghèo, kém phát triển. Theo nghiên cứu, ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong ở 16% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới – con số gấp 15 lần số người tử vong do chiến tranh và bạo lực. Thậm chí, ở những quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nhiều hơn, con số có thể nhảy lên mức 25%.
Bên cạnh việc gây nên cái chết của hàng triệu người mỗi năm, ô nhiễm còn làm ảnh hưởng đến sự sống của hành tinh chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Hiện nay, có một số kế hoạch đang được các chính phủ triển khai để chống lại ván đề nghiêm trọng này: dễ thấy nhất chính là thông qua pháp luật. Ví dụ như Trung Quốc đang rất nghiêm túc trong việc đẩy lùi ô nhiễm khi có tới 1,1 triệu người ở quốc gia này tử vong vì ô nhiễm. Trung Quốc đã đầu tư 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (440 tỷ USD) vào các chương trình khuyến khích và các cơ chế tín dụng cho những doanh nghiệp nào sẵn sàng chuyển đổi sự ưu tiên hàng đầu của mình sang giảm phát khí thải.
Bên cạnh những chương trình được chính phủ hậu thuẫn, một số tổ chức cũng đang tìm cách dùng công nghệ để chiến đấu với ô nhiễm: Một nhóm các nhà khoa học đã phát triển một thiết bị có khả năng biến không khí bị ô nhiễm thành nhiên liệu có thể sử dụng được.
Nhìn chung, nếu chúng ta muốn chống lại ô nhiễm một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ cần những biện pháp mạnh mẽ hơn. Thay vì phớt lờ vấn đề, cho rằng đây là một cuộc chiến dài hơi và tốn nhiều thời gian nên chưa cần cân nhắc, chúng ta cần phải hành động một cách trực tiếp, tức thời, khi những hậu quả mà ô nhiễm mang lại đã sừng sững ngay trước mắt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.