Cú tụt dốc không phanh của thị trường ô tô Ấn Độ

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 26/08/2019 16:03

Thị trường ô tô Ấn Độ đang phải chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng, đẩy hàng nghìn người đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

photo-1-15667311305121660144313

Thị trường ô tô Ấn Độ đang trên đà tuột dốc không phanh. Nguồn: Currentriggers

Mặc dù chỉ hai năm trước, thị trường ô tô của Ấn Độ còn bùng nổ và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ các hãng ô tô trên toàn thế giới thì hiện tại thị trường này lại đang trên đà tuột dốc không phanh.

Theo số liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ (SIAM) công bố ngày 20/8, lượng xe hơi được bán ra tại Ấn Độ đã giảm 31% trong tháng 7 vừa qua, đánh dấu tháng tháng thứ chín liên tiếp sụt giảm về doanh số bán xe. Đây cũng là tháng giảm sâu nhất trong hơn 18 năm qua. Ông Vishnu Mathur, Tổng giám đốc SIAM nhận định: "Sức mua sụt giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong ngành công nghiệp ô tô".

Thị trường Ấn Độ từng là "miếng bánh ngọt" của các nhà sản xuất ô tô với doanh số bán xe hàng năm tăng khoảng 33% trong 5 năm qua. Các ông lớn trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô trên toàn cầu như Huyndai và công ty con Kia đã đầu tư hàng tỉ USD để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Ấn Độ. Bên cạnh đó những cái tên mới như nhà sản xuất ô tô SAIC của Trung Quốc cũng đang cố gắng giành lấy một phần thị trường màu mỡ này. Ngoài ra, Ấn Độ còn được dự đoán sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới vào năm 2020 - chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Song trên thực tế, sự tụt dốc không phanh của doanh số bán xe đang khiến các nhà sản xuất ô tô lớn nhất của đất nước này vô cùng lao đao. Dòng xe Maruti Suzuki, chiếm khoảng một nửa số lượng xe hơi được được bán ở Ấn Độ, đã sụt giảm 36,7% doanh số bán xe trong tháng 7. Doanh số tại Tata Motors (TTM), công ty sở hữu nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Anh Jaguar Land Rover, cũng giảm 31%.

Mahindra & Mahindra (MAHMF), nhà sản xuất xe điện hàng đầu Ấn Độ, cũng bị sụt giảm doanh số bán 17%. Vào tuần trước công ty đã tuyên bố thực hiện "ngày không sản xuất" tại một số nhà máy trong tối đa 14 ngày của quý này để đối phó với tình hình sức mua tụt giảm.

Các hãng xe nước ngoài tại Ấn Độ cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Hãng xe Huyndai (HYMTF) của Hàn Quốc, ông lớn thứ hai tại thị trường Ấn Độ cũng phải chứng kiến đợt giảm 10% trong tháng 7 so với cùng kì năm ngoái, trong khi Toyota - gã khổng lồ Nhật Bản (TM) giảm lên tới 24%.

Được biết, các quy định an toàn và khí thải mới bị đẩy giá lên cao cùng với những rắc rối giữa các nhà cung cấp tài chính tiêu dùng của Ấn Độ chính là nguyên nhân dẫn đến sức mua xe tụt giảm nghiêm trọng ở đất nước đông dân thứ hai thế giới này.

Hàng ngàn việc làm bị mất

Trong một tuyên bố hồi tháng trước, Hiệp hội các nhà sản xuất linh kiện ô tô Ấn Độ đã cảnh báo  rằng "tình trạng giống như khủng hoảng" này có thể khiến hàng triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp.

photo-1-15667311326721269091363

Hàng triệu người đứng trước nguy cơ thất nghiệp trong ngành ô tô Ấn Độ. Nguồn: CNN

"Trước tình hình ảm đạm trên, nhiều công ty đã cắt giảm hơn 330.000 việc làm bằng việc đóng cửa các đại lý xe hơi và cắt giảm việc làm tại các nhà sản xuất linh kiện", ông Vishnu Mathur dẫn số liệu từ các hiệp hội công nghiệp giám sát hai lĩnh vực này. Ông còn cho biết thêm các nhà sản xuất xe hơi ở Ấn Độ đã cắt giảm ít nhất 15.000 công nhân thời vụ và tạm dừng tuyển dụng mới.

Đây chắc hẳn không phải là một tin tức dễ chịu đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu hồi tháng 5 năm nay. Tình trạng tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua cùng với tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong nhiều thập kỉ trở lại đây tại Ấn Độ là bài toán khó nhằn, đòi hỏi Thủ tướng Narendra Modi phải tìm ra lời giải càng sớm càng tốt.

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng thương mại leo thang, suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn thế giới thì Ấn Độ không phải là cái tên duy nhất trượt dốc tại thị trường ô tô. Thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, Trung Quốc, sụt giảm doanh số lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ. Trong khi đó,  Đức - quê hương của một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Volkswagen (VLKAF), BMW (BMWYY) và Mercedes-Benz Daimler (DDAIF) lại đang vật lộn với những ảnh hưởng từ Brexit và các vụ bê bối khí thải diesel.

Ý kiến của bạn

Bình luận