Lực lượng, phương tiện tham gia diễn tập gồm: một tàu khách Bình Quới 2 (giả định là tàu khách Tân Phong), một tàu chở hàng khô UT Glory (giả định là tàu hàng khô Sài Gòn Glory) của Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh, một canô, một tàu chữa cháy chuyên dụng của Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên sông thuộc Cảnh sát PCCC Thành phố, hai canô của Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, một canô của Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, một canô của Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực I, một canô và tàu cứu hộ của Bộ Chỉ huy Biên phòng Thành phố, hai canô của Phòng Cảnh sát đường thủy-Công an TP. Hồ Chí Minh, một canô và một tàu lai dắt của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, 4 phương tiện chuyên dụng thu gom dầu tràn của Công ty TNHH Đại Minh, ba canô của Công ty Bảo đảm ATHH miền Đông Nam Bộ, hai xe cứu thương cùng 200 người tham gia diễn tập.
Theo kịch bản giả định, trên sông có gió Tây Nam cấp 6, nước ròng mạnh, tầm nhìn xa tốt, trời không mưa. Một tàu biển có hành trình từ Đồng Nai về TP. Hồ Chí Minh, cách khu vực xảy ra va chạm khoảng 3 hải lý. Cùng lúc đó, một tàu biển chở container trọng tải 30.000 DWT chuẩn bị điều động rời cảng Cát Lái lên ngã ba sông Sâu để quay đầu. Trong khi đó có nhiều phương tiện thủy nội địa hành trình từ Đồng Nai, Nhà Bè qua khu vực đâm va để vào các bến trong rạch Ông Nhiêu, Bà Cua… Tàu hàng khô trọng tải 2.399 tấn, hành trình không hàng từ TP. Hồ Chí Minh đi Đồng Nai và một tàu khách có sức chở 50 người (10 thuyền viên và 40 hành khách) từ Đồng Nai về TP. Hồ Chí Minh. Trong quá trình điều động tránh va tại khu vực thủy điện cảng Bến Nghé Phú Hữu trên sông Đồng Nai thì tàu khách đột ngột bị mất lái nên đâm va với tàu hàng khô. Vụ đâm va khiến tàu khách bị hư hỏng phía mũi, nước tràn vào làm tàu bị nghiêng và có nguy cơ bị chìm, tàu trôi dạt về hạ lưu. Một số hành khách hoảng loạn tự nhảy xuống nước tìm đường thoát thân… Tàu hàng khô bị thủng mạn trái gần két nhiên liệu nên phát cháy và có nguy cơ tràn dầu… Trước tình huống khẩn cấp, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh họp khẩn cấp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Theo đó, các đơn vị phối hợp nhịp nhàng, bài bản từ khâu tiếp nhận và xử lý thông tin đến TKCN tại hiện trường như cứu vớt người rơi xuống nước, sơ tán người trên tàu khách, chữa cháy tàu hàng, thu gom dầu tràn và cứu hộ đối với tàu khách. Công tác phối hợp TKCN được thực hiện khẩn trương, nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.
Tổ chức dập cháy trên tàu hàng
Khẩn trương cứu và đưa người bị nạn lên bờ cấp cứu
Đây là đợt diễn tập đầu tiên triển khai Quyết định 06/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thể hiện chức năng chủ trì phối hợp hoạt động TKCN hàng hải trong vùng nước cảng biển của Cảng vụ hàng hải. Với phương châm “bốn tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ, buổi diễn tập là dịp để rà soát, đánh giá và nâng cao năng lực phối hợp TKCN của Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh và các lực lượng tham gia hoạt động phối hợp TKCN trong vùng nước cảng biển Thành phố, bao gồm: năng lực chỉ huy, điều hành, phối hợp xử lý tình huống, kỹ năng xử lý nghiệp vụ hàng hải và nghiệp vụ TKCN, khả năng hiệp đồng, phối hợp giữa chỉ huy hiện trường TKCN và các lực lượng. Bên cạnh đó, các phương tiện tại chỗ được huy động để tham gia công tác TKCN trong vùng nước cảng biển. Đây cũng là dịp để các Cảng vụ hàng hải trong cả nước trao đổi, tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai công tác chủ trì phối hợp hoạt động TKCN và xây dựng kế hoạch huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ TKCN phù hợp với thực tiễn hoạt động TKCN trong vùng nước cảng biển.
Khen thưởng các đơn vị tham gia diễn tập
Phát biểu bế mạc sau khi buổi diễn tập kết thúc thành công, Cục trưởng Nguyễn Nhật biểu dương tinh thần làm việc nghiệm túc của Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị liên quan trong và ngoài ngành Hàng hải đã phối hợp chặt chẽ trong công tác chuẩn bị, xây dựng kịch bản và tổ chức thành công buổi diễn tập. Qua kết quả diễn tập, Cục trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, chỉnh sửa bổ sung các quy chế, thỏa thuận phối hợp liên quan đến hoạt động TKCN trong vùng nước do mình quản lý, nhằm đảm bảo sự chỉ huy thống nhất, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp TKCN trong khu vực. Các đơn vị trực thuộc Cục phải xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện đúng quy định tại Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo vinamarine.gov.vn
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.