Cục Hàng không truy tìm 'lỗ hổng' gây mất cắp hành lý

Giao thông 24h 11/06/2015 07:00

Rất nhiều vụ hành khách báo mất cắp hành lý, vali bị mở khóa nhưng rất ít vụ việc truy tìm ra được thủ phạm hay mất cắp ở khâu nào.

img_5570_ttnz
Nhân viên bốc xếp hành lý chuyến bay đến từ pallet ra băng chuyền

Trước tình trạng gia tăng số vụ báo mất cắp hành lý, Cục Hàng không đang tiến hành kiểm tra công tác an ninh tại các sân bay lớn Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ 10.6 - 12.6.

Theo ông Phương Hồng Minh, Phó giám đốc Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS), đơn vị phục vụ nội địa cho Vietjet Air và một số hãng hàng không nước ngoài, quy trình khi hành khách đi tàu bay, làm check in tại quầy, hành lý được soi chiếu an ninh và chuyển xuống đảo hành lý. Nhân viên sắp xếp sẽ phân loại hàng hóa, cho vào các pallet chứa hàng vận chuyển ra tàu bay, sau đó hàng hóa sẽ được chất xếp lên hầm hàng của tàu bay.

Ông Minh cho rằng, các trường hợp xảy ra moi móc hành lý cả chuyến bay đến và chuyến đi, có thể xảy ra lớn nhất ở hai vị trí hầm hàng máy bay và khu vực phân loại đảo hành lý hàng hóa. Vì tất cả quy trình vận chuyển hàng hóa khi chất xếp xong từ đảo hành lý ra tàu bay trong khoảng thời gian ngắn, đi qua nhiều vị trí công cộng nên khó xảy ra mất cắp.

Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Đào Văn Chương đặt dấu hỏi: “Kế hoạch triển khai chống mất cắp hành lý của Cục có trên trời không, khi mà thực hiện rồi vẫn xảy ra mất cắp? Có hay không sự thông đồng giữa nhân viên soi chiếu với việc mất hàng hóa, hành lý. Cục nhận được rất nhiều câu hỏi này từ hành khách đi máy bay. Báo cáo con người tốt, phẩm chất tốt nhưng sao hành lý vẫn mất?”

Theo ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm an ninh hàng không, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tới nay không có sự bắt tay giữa nhân viên soi chiếu và nhân viên bốc xếp hành lý, hàng hóa, nhưng không loại trừ điều này. Việc mất cắp chủ yếu xảy ra việc hành khách lấy của nhau, trong đó có cả cán bộ viên chức, nhân viên hàng không lấy của khách.

Đại diện Jestar Pacific tại Nội Bài cho biết, năm 2013 đã bắt một vụ điển hình ở Tân Sơn Nhất, vài nhân viên Jestar Pacific cấu kết với nhau lấy cắp hàng hóa của khách. Năm 2014, hãng này cũng phát hiện vụ việc tương tự tại Nội Bài, nhân viên bốc xếp đã khai nhận thông đồng với nhau. Ông này cũng nghi ngờ có tình trạng lấy trộm trong hầm hàng hay góc khuất máy soi chiếu, nhưng nếu lấy trên máy bay thì không có camera.

Theo ông Đào Văn Chương, hành khách mua vé máy bay của hãng nào thì hãng ấy phải đứng ra chịu trách nhiệm chung. Về cụ thể, dây chuyền hành lý ký gửi, hàng hóa nhiều bộ phận tham gia vào quá trình phục vụ, từ check in đến hầm máy bay, và từ hầm máy bay đưa về đảo.

“Dù tăng cường nhiều biện pháp, nhưng chưa xác định rõ, chưa cắt khúc rõ từng thời điểm tình trạng của hành lý, hàng hóa như thế nào. Ví dụ như đến đảo vẫn an toàn, đến hầm máy may vẫn an toàn… để tìm ra được chính xác nằm ở khâu nào, do ai lấy. Toàn người tốt nhưng chắc môi trường có vấn đề nên tạo điều kiện cho nhân viên có hành vi không tốt. Sẽ yêu cầu gắn camera ở hầm hàng, ở các container chở hàng rời”, ông Chương cho hay. 

Ý kiến của bạn

Bình luận