Lương Trọng Thăng tại cơ quan điều tra. |
Bố mẹ sang nước ngoài lao động từ nhiều năm nay, Đặng Văn Khang (9 tuổi) sống cùng ông bà nội là Đặng Văn Vững (55 tuổi), Lê Thị Hòa (58 tuổi) ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Hằng ngày vào 3-5h, ông Vững chở bà Hòa đi chợ, Khang ở nhà ngủ một mình...
Sáng sớm 5/12/2016, hai ông bà rời nhà. Trước khi đi, bà Hoà còn kéo chăn cho cháu. Khoảng 5h15, ông Vững về đến nhà, nằm ở giường khác. Gần 6h, nghe tiếng chuông báo thức, ông gọi cháu dậy nhưng không thấy trả lời... Khang sau đó được phát hiện tử vong do nhiều vết chém vào đầu, thi thể ở trên giường.
Cảnh sát nhận định ban đầu, kẻ gây án phải có mối thâm thù tột đỉnh với gia đình nạn nhân thì mới ra tay cả với cả đứa trẻ 9 tuổi. Đại tá Phạm Trường Giang (Phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương) chỉ đạo phá án cho hay nhiều giả thiết về động cơ gây án được đặt ra. Hướng thứ nhất tập trung vào các mâu thuẫn của bố đẻ cháu Khang, do anh này mê cờ bạc, nợ nần và nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp. Giả thiết khác là kẻ gian vào nhà trộm cắp, khi bị phát hiện đã ra tay bịt đầu mối...
Tuy nhiên, các nghi vấn trên sau đó được loại trừ và cơ quan điều tra tập trung vào Lương Trọng Thăng, người có tiền sử mắc bệnh động kinh...
Bị cơ quan điều tra triệu tập, Thăng chống đối bằng cách lăng mạ, chửi bới, phóng uế hay cũng có khi không chịu nói gì.
Thu thập tài liệu về Thăng, cảnh sát nhận ra, anh ta coi việc bị động kinh như bảo bối để hợp thức hóa các việc làm vi phạm pháp luật của mình.Thăng nhiều lần diễn màn "rạch mặt đòi tiền" khi để gói tiền vào những chiếc túi nhỏ, vứt gần cửa nhà. Nếu người đi đường vô tình phát hiện, cúi xuống nhặt, Thăng từ trong chỗ nấp sẽ lao ra bất ngờ hô hoán rồi vu vạ trộm cắp tài sản, buộc phải đền tiền. Thăng còn cho người nghiện vay tiền với lãi suất cao nhưng chưa ai dám xù nợ vì chỉ cần chậm trả một ngày, anh ta sẽ vác dao sang đòi...
Trong thời gian cảnh sát điều tra thì Thăng được mẹ đưa vào bệnh viện điều trị. Ròng rã một tháng tiếp cận ở bệnh viện tâm thần, trinh sát phát hiện anh ta chỉ ảnh hưởng một phần nhận thức chứ không mất kiểm soát hoàn toàn. Bệnh án cũng thể hiện điều này.
Trong trường hợp phát bệnh, Thăng không thể thực hiện được hành động gì vì chân tay co quắp, miệng co giật... Từ những căn cứ này, màn kịch của kẻ giả điên gây trọng án đã bị lật tẩy.
Theo lời khai của Thăng, khoảng 7/2016 khi đi qua Nhà văn hóa thôn Hoà Tô bị cháu Khang cùng mấy đứa trẻ trêu đùa gọi là "thằng điên" đã rất tức tối. Cuối tháng 11/2016, khi bị động kinh ngã ra đường, Thăng lại bị nhóm trẻ này trêu đùa, nói: "Thăng nó bị điên ở đây".
5h ngày 5/12/2016, Thăng đi qua cổng nhà ông Vững thấy đèn bật sáng, không thấy xe máy và xe bò sân nên hiểu gia chủ đi chợ sớm, nhà chỉ còn Khang. Cùng lúc cơn tức giận về việc bị trêu trước đó ùa đến, Thăng muốn chém đứa trẻ để trả thù.
Khi cảnh sát đến khám nghiệm, Thăng còn tới xem, quan sát để có biện pháp đối phó...
"Hơn 20 năm gắn bó với công tác hình sự, xử lý hàng trăm vụ án, đối mặt với không ít kẻ phạm tội ranh ma, liều lĩnh nhưng chưa bao giờ chúng tôi gặp một kẻ tinh quái, lỳ lợm và nhiều mưu mô, thủ đoạn như vậy", thượng tá Mai Thế Oanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hải Dương) nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.