Cuộc đua giành giật những khách hàng 'lười'

Doanh nghiệp 11/12/2018 17:59

Người tiêu dùng đang dần được đáp ứng mọi nhu cầu cơ bản chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh.


 

DSC00179copy42711528714856-154-8436-3248-154430128
Những lái xe Grab trên đường Hà Nội. Ảnh: Anh Tú

Thủy Tiên, nhân viên văn phòng 26 tuổi sống ở căn hộ trên tầng ba một tòa chung cư trên đường Trần Đăng Ninh (Hà Nội), chọn cách đi thang bộ mỗi ngày, bởi đó là công việc khả dĩ nhất cô phải tốn sức thực hiện.

Đặt đồ ăn qua Now, đi làm bằng Grab, thuê người dọn nhà qua ứng dụng Jupviec.vn, giặt đồ bằng dịch vụ lấy tận nơi và uống cà phê nhờ ứng dụng gọi đồ trực tuyến..., mọi công việc thường ngày nữ nhân viên văn phòng này cần thực hiện đều có thể làm bằng một chiếc smartphone có giá chưa tới ba triệu đồng. 

"Thật khó tưởng tượng một ngày sẽ trôi qua như thế nào nếu không động vào chiếc điện thoại, khi mà mọi nhu cầu thiết yếu đều phụ thuộc vào nó", Thủy Tiên vừa nói vừa nhìn vào chiếc điện thoại, nơi cô đang đặt hàng online trên một trang thương mại điện tử.

Những nền tảng trực tuyến đang bùng nổ với tốc độ ngày càng nhanh, thực tế đều hướng tới mục tiêu duy nhất là đáp ứng mọi nhu cầu từ nhỏ nhất của người dùng và chính những khách hàng đang có xu hướng "lười" hơn này là mảnh đất màu mỡ cho các nền tảng phát triển.

Một trong những nền tảng sớm nhất dựa trên sự "lười" của khách hàng là thương mại điện tử.

Tiki ra đời từ năm 2010 với mục đích ban đầu là bán sách trực tuyến. Nhưng ngày nay, nền tảng này đã lấn sân sang bán trực tuyến gần như mọi loại hàng hóa, từ gói bột chiên giòn với giá 4.500 đồng cho tới xe máy Vespa gần 200 triệu đồng. Và khách hàng cũng không cần di chuyển quá nhiều khi đơn hàng được giao đến địa chỉ có sẵn, dù chỉ là một món hàng.

Trong một miếng bánh hấp dẫn ngày càng nở to hơn, các trang thương mại điện tử cũng không quan tâm nhiều đến những khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng, thay vào đó là việc chấp nhận đánh đổi lợi nhuận thông qua hàng loạt chương trình khuyến mãi để mang về lượng khách hàng nhiều nhất có thể.

Tiki dù ghi nhận doanh số tốt nhưng cũng gánh khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 gần 600 tỷ đồng. Hầu hết các "đại gia" khác trên thị trường như Lazada, Shopee, hay Sendo cũng không nằm ngoài tình cảnh này. Khoản lỗ lớn nhất thuộc về Lazada với gần 2.743 tỷ đồng vào cuối 2016. Shopee năm 2016 khi mới tham gia thị trường đã báo lỗ hơn 160 tỷ, tuy nhiên đến năm 2017 khoản lỗ gia tăng lên hơn 600 tỷ đồng. 

"Cuộc chiến thương mại điện tử ở Việt Nam hiện không chỉ dừng lại ở việc kiếm lợi nhuận dựa trên hoạt động bán hàng mà xu hướng sẵn sàng chịu lỗ để giá trị thương hiệu được biết đến nhiều hơn", ông Trần Văn Quý, Giám đốc điều hành EQVN chia sẻ với VnExpress.

Tuy nhiên, cuộc đua không dừng lại ở việc ai bán nhiều loại mặt hàng hơn. Theo khảo sát của KPMG, năm 2017 với hơn 18.000 người tiêu dùng tại 51 nước (trong đó có Việt Nam), 34% số người nói rằng sẽ đi mua trực tiếp hơn đặt hàng online vì sợ thời gian giao hàng quá chậm. Khi người tiêu dùng ngày càng mất kiên nhẫn và muốn sự tiện lợi được đẩy lên tối đa, thì cũng là lúc cuộc chiến về thời gian giao hàng nóng hơn. DHL tuyên bố giao hàng trong ngày, Lazada mở dịch vụ hoả tốc, Tiki Now giao trong 2 giờ hay Ship60, một startup mới trên thị trường, cam kết giao trong 60 phút.

Không riêng thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe hay gọi đồ ăn cũng đang trong cảnh giành giật những khách hàng có xu hướng "lười" hơn.

Từ việc có xe đón tận cửa thông qua ứng dụng thay vì phải ra đường gọi xe như trước, cho tới một mâm cỗ cúng rằm được bán online, mọi công việc thường ngày giờ đều có thể thực hiện chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại.

Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek cho biết, quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Đông Nam Á đạt giá trị 8 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 39%. Việt Nam được đánh giá chỉ xếp sau Indonesia về tốc độ tăng trưởng trong 3 năm qua và dự báo đến 2025, thị trường gọi xe sẽ chạm mốc 2 tỷ USD.

Trong khi Grab, GoViet và Fastgo đang giành nhau "miếng bánh" gọi xe nửa tỷ USD, thì cũng những cái tên này đang cạnh tranh với các đối thủ như Delivery Now (tức Foody) và Vietnammm trong phân khúc thị trường gọi đồ ăn với quy mô gần 40 triệu USD.

Dù sinh sau đẻ muộn, song sự xuất hiện của những nhân tố mới đang đẩy sức nóng của thị trường này ngày càng tăng. Một khách hàng có thể hôm nay đặt đồ của một ứng dụng nhưng ngày mai lại chuyển sang một ứng dụng khác chỉ bởi một chương trình khuyến mãi "nặng đô" không phải điều hiếm.

Jerry Lim - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết, GrabFood sau một tháng thử nghiệm tại Hà Nội ghi nhận số lượng đối tác kinh doanh dịch vụ này tăng trưởng gấp 8 lần. Trong khi đó, Delivery Now của Foody thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải những khung giờ cao điểm khi lượng đơn hàng quá nhiều.

Ý kiến của bạn

Bình luận