Tàu container đang dỡ hàng tại một cảng biển ở Oakland (Mỹ). Ảnh: AP |
E.D. Opto Electrical Lighting (Giang Tô) đã gửi một lô đèn ôtô sang Los Angeles bằng đường biển từ cuối tháng 8, sớm hơn dự kiến. “Việc chuyển hàng mất khoảng 25 ngày. Tôi hy vọng sẽ kịp”, Giám đốc quản lý nhập khẩu - Melissa Shu cho biết. Công ty này cũng đang cố hoàn thành đơn cho một khách hàng Mỹ nữa sẵn sàng trả thêm để vận chuyển bằng đường hàng không, miễn là kịp né thuế mới.
Ngày 24/9, thuế mới của Mỹ với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực. Các hãng sản xuất từ Trung Quốc đang ráo riết vận chuyển mọi hàng hóa, từ đồ chơi, xe đạp đến phụ tùng ôtô sang Mỹ, vừa né thuế, vừa để tận dụng mùa mua sắm trước kỳ nghỉ lễ tại đây.
Đội tàu của Hyundai Merchant Marine rời Trung Quốc đến Mỹ đều được chất đầy hàng hóa. Các chuyến đến cảng California cũng tăng vọt. Cước vận chuyển xuyên Thái Bình Dương đang ở đỉnh 4 năm. Còn tại Air China, các chuyến bay chuyển hàng sang Mỹ cũng bùng nổ. Việc các công ty tăng tốc xuất khẩu đã kéo thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lên kỷ lục trong tháng 8.
Từ ngày 24/9, thuế nhập khẩu Mỹ áp dụng với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc là 10%. Đây là đợt thuế mạnh nhất của ông Trump đến nay trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng cũng trực tiếp đánh vào ví tiền của người tiêu dùng Mỹ. Đến đầu năm sau, thuế này thậm chí lên 25%.
Ông Trump còn đe dọa đánh thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa nữa từ Trung Quốc. Thuế này sẽ bao phủ gần như toàn bộ hàng tiêu dùng còn lại, từ điện thoại di động, giày dép đến quần áo. Trong một báo cáo tuần này, Deutsche Bank cũng cho biết căng thẳng leo thang có thể khiến các công ty Mỹ tích trữ hàng hóa sớm. Còn Hiệp hội Các nhà bán lẻ Quốc gia Mỹ cũng cảnh báo thuế tăng sẽ khiến giá cả tăng theo, thậm chí khan hiếm.
Tại Đông Hoản, hãng sản xuất đồ chơi Lung Cheong - nhà cung cấp cho Hasbro (Mỹ) cũng đang tất bật với việc sản xuất. “2 tháng qua, ngày càng nhiều khách hàng hỏi chúng tôi có kịp giao hàng để né thuế không”, Chủ tịch công ty - Lun Leung cho biết. Với các loại đồ chơi công nghệ cao, kích cỡ nhỏ, giá đắt, nhiều khách hàng sẵn sàng trả thêm để vận chuyển bằng đường hàng không, thay vì đường biển.
Các cảng biển ở Mỹ vì vậy cũng bận rộn không kém. Tại cảng Oakland (California), số hàng nhập khẩu đã tăng 9,2% trong tháng 8 so với năm ngoái. Đây cũng là tháng 8 bận bịu nhất trong lịch sử 91 năm của cảng này. Còn cảng Long Beach, số container 8 tháng đầu năm cũng tăng 9,4%.
Tuần trước, cước vận chuyển từ Thượng Hải đến Los Angeles đã lên hơn 2.360 USD với loại một container dài hơn 12 m. Đây là giá cao nhất kể từ cuối năm 2014, theo số liệu của Drewry World Container Index. Đại diện của các hãng vận tải Hyundai Merchant Marine và APL cũng cho biết việc kinh doanh của họ gần đây rất phát đạt.
“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chạy đua với thuế nhập khẩu”, Rahul Kapoor - nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence nhận xét. Ông cho biết nhiều kiện hàng đã phải bỏ lại ở cảng Trung Quốc vì tàu sang Mỹ đã quá đầy.
Ralph Bradley - CEO một hãng sản xuất đèn ôtô nhỏ ở Texas (Mỹ) đang chờ hơn 300.000 USD sản phẩm từ Trung Quốc sang. Công ty ông không kịp né thuế 10% với lô hàng này. Tuy nhiên, họ đang cân nhắc mua thêm nhiều hàng từ Trung Quốc trước khi thuế tăng hơn gấp đôi. “Tôi rất muốn nghe Quốc hội nói rằng họ có thể khắc phục tình hình này”, Bradley cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.