Nhiều sinh viên cảm thấy không hòa nhập được với người dân địa phương, không tìm được cơ hội làm thêm tốt chỉ vì màu da của mình.
Khoảng 20 năm trước, sinh viên quốc tế bắt đầu đến thành phố nhỏ Tambov, tỉnh Tambov (Nga) để học đại học. Ban đầu, họ chỉ chiếm số ít và thu hút rất nhiều sự chú ý. Hiện số lượng đã tăng lên đáng kể, trong đó có khoảng 2.000 người từ châu Phi đăng ký vào các đại học địa phương mỗi năm. Tuy nhiên, màu da khiến họ gặp phải một số khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Bộ ảnh các sinh viên da màu trong ký túc xá đại học ở Tambov được Nadezhda Ermakova ghi lại, đăng trên Bored Panda ngày 2/2, hé lộ một phần câu chuyện họ đang trải qua. Israel Premier đến từ Brazzaville, Cameroon, sinh viên ngành Y: "Tôi bị sốc khi lần đầu nhìn thấy ký túc xá: bụi bẩn, gián, không có khóa cửa. Tôi đã tự sửa sang lại phòng bằng giấy dán tường, mua một chiếc tủ lạnh, rèm cửa và vài thứ khác. Giờ không ai khác có căn phòng giống tôi".
Rocky Mataruusse (Libreville, Gabon), sinh viên ngành Quan hệ quốc tế: "Đối với tôi, thể thao cũng quan trọng như việc học. Bóng bầu dục và quyền anh là niềm đam mê thực sự của tôi. Tôi chơi bóng bầu dục chuyên nghiệp, từng tham gia đội tuyển quốc gia ở quê nhà. Tôi là cầu thủ mạnh và tôi cần tập luyện chăm chỉ để cải thiện kỹ năng. Tuy nhiên, ở Nga, rất khó để tôi lọt vào đội phù hợp với trình độ do màu da của mình".
Alima Kambi (Bakota, Gambia), sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng: "Tôi dành tất cả thời gian cho việc học, điều đó có ý nghĩa rất lớn với tôi. Thật buồn là tôi sẽ phải bảo lưu vào năm học tới vì vấn đề tài chính, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để hoàn thành bằng cấp".
Abina Zoua Bertrand (Yaounde, Cameroon), sinh viên ngành Quản lý: "Tôi tự trả tiền cho việc học và chỉ có thể dựa vào bản thân. Bố mẹ tôi đã mất vài năm trước, đó là lý do tôi phải làm nghề bốc vác bán thời gian. Điều này vô cùng khó khăn nhưng tôi không có nhiều lựa chọn, bởi người da màu không có nhiều cơ hội việc làm. Tôi cần một tấm bằng nên tôi bắt buộc phải làm vậy".
Christiane Fleure (Abidjan, Ivory Coast), sinh viên ngành Quan hệ quốc tế: "Nhìn chung thì tôi thích học ở đây. Nếu tôi lờ đi vài thứ nhỏ nhặt, một số thói quen của người dân địa phương, nơi đây là một thành phố nhỏ, ấm cúng và mọi thứ đều có giá phải chăng. Dù vậy, tôi rất nhớ đồ ăn ở châu Phi".
Catalea L’or Ngiia (Libreville, Gabon), sinh viên Tin học kinh tế: "Tôi cảm thấy khó khăn khi muốn hòa nhập với xã hội, như một người lạc loài. Các nữ sinh ở trường đại học cười nhạo khi nhìn thấy tôi. Chúng tôi được hứa hẹn về một nền giáo dục tốt và những căn phòng ký túc sạch đẹp. Nhưng những gì chúng tôi nhận được là gián chạy khắp phòng và những bài giảng bằng tiếng Nga. Chúng tôi không hiểu hoàn toàn ngôn ngữ này và đó là vấn đề lớn, nhất là khi phải bỏ ra rất nhiều tiền cho việc học".
Landry William Yao (Yaounde, Cameroon), sinh viên ngành Dược: "Tôi rất tự hào về chiếc cúp của mình. Chúng tôi giành được nó nhờ chiến thắng cuộc thi đá bóng ở trường đại học. Tôi không thể sống thiếu thể thao. Ngoài ra, tôi cũng là đầu bếp giỏi, được bạn bè gọi là Le Cordon Bleu (cách người Pháp chỉ bậc thầy ẩm thực, gọi theo tên của một trường ẩm thực danh giá).
Kash Lee (Nelspruit, Cộng hòa Nam Phi), sinh viên Dược: "Đất nước tôi rất khác biệt so với Nga, chúng tôi có 12 ngôn ngữ chính thức và trời rất nóng. Khi đến Nga, tôi chỉ biết rằng các đại học y khoa tốt nhất nằm ở đây và trời rất lạnh. Nước Nga thực sự rất lạnh, nhưng cũng rất vui. Mỗi ngày tôi đều học được thứ gì đó mới ở trường. Thực ra tôi không thích đi chơi lắm, hầu hết thời gian tôi ở trong ký túc xá và đến phòng tập gym. Sau khi tốt nghiệp, tôi dự định trở về quê hương làm bác sĩ trị liệu, rồi lấy bằng chuyên khoa sản. Từ bé tôi đã đi học nội trú, có nghĩa dành rất ít thời gian ở nhà, chỉ khoảng bảy tuần một năm. Tôi không nhớ nhà lắm, nhưng rất nhớ các món ăn ở quê".
Medfrank Cartel Mba (Libreville, Gabon), ngành Công nghệ hóa học: "Mọi người đều biết Nga có nền giáo dục tốt, đó là lý do tôi chọn học ở đây. Điều không may là tôi không thể kết thân với người dân địa phương. Thật buồn khi không thể trao đổi văn hóa. Nhưng chúng tôi có hội nhóm riêng và coi nhau như anh em. Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ về quê hương lập nghiệp".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.