Ảnh minh họa. |
Dự án cao tốc Bắc-Nam được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Giai đoạn 2017 - 2020 sẽ đầu tư 654 km đường bộ cao tốc trên các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam tổ chức ngày 27/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo: chậm nhất trong tháng 9/2019 phải phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán của toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam.
“Vụ Đối tác công - tư phải tham mưu để Bộ Giao thông vận tải đề nghị cơ quan có thẩm quyền rút ngắn thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định, phấn đấu cuối tháng 12/2019 sẽ kết thúc thời gian lựa chọn nhà đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP”, Bộ trưởng nói.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, tại cuộc họp tiếp theo của dự án cao tốc Bắc - Nam, các ban quản lý dự án phải báo cáo danh sách các nhà đầu tư quan tâm đến dự án. Sau đó, Bộ Giao thông vận sẽ tổ chức các hội thảo nhằm cung cấp thông tin về dự án từ tổng mức đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng… đến các nhà đầu tư.
Tư lệnh ngành giao thông cũng yêu cầu Vụ Đối tác công - tư và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu kỹ thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy định hướng dẫn đấu thầu quốc tế. Đồng thời rà soát soát các quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu của Việt Nam tham gia đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Về công tác giải phóng mặt bằng của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban quản lý dự án, chậm nhất ngày 15/4 phải trình hồ sơ thiết kế cơ bản.
“Đến cuối tháng 4/2019, toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng dài 654km của các dự án phải được bàn giao cho chính quyền địa phương. Dự án của ban nào không xong, giám đốc của ban đó phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Thể chỉ đạo.
Để không để xảy ra tình trạng tại một số địa phương nơi dự án đi qua xuất hiện trường hợp cố ý xây dựng công trình trái phép để chờ đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án phải bố trí cán bộ hằng ngày thăm tuyến nhằm phát hiện sự thay đổi hiện trạng.
Liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, như VietnamFinance đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
Theo chỉ thị này, để đáp ứng tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội, cần tập trung hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định đến tiến độ dự án. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để triển khai các nhiệm vụ về công tác giải phóng mặt bằng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.