Sáng 10/5, Bí thư Đinh La Thăng cùng các ứng cử viên ĐBQH tiếp xúc cử tri tại ba xã Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, An Phú (huyện Củ Chi) - một điểm nóng về các dự án "treo" gây bức xúc cho người dân.
Hàng loạt hệ luỵ đã được người dân "kêu" với Bí thư Thành uỷ như khu vực nằm trong quy hoạch khiến người dân không thể xây dựng, xin cấp sổ đỏ hay tách thửa. Trong khi đó, các dự án điển hình như khu đô thị Tây Bắc, Sài Gòn Safari đắp chiếu hơn chục năm trời.
Bí thư Thành uỷ nhận thư của người dân Củ Chi khiếu nại về đền bù giải phóng khi về làm việc tại An Nhơn Tây. Ảnh: H.Hương. |
Bí thư Thăng khẳng định: “Đối với dự án công viên Sài Gòn Safari, TP phấn đấu chậm nhất cuối năm nay sẽ triển khai thi công, đồng thời giải quyết dứt điểm khiếu nại, khiếu kiện về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân trong vùng dự án”.
Ngay tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thăng chỉ đạo ngay Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã rà soát lại toàn bộ quy hoạch trên địa bàn huyện Củ Chi.
“Chậm nhất là trong tháng 6/2016 phải công bố công khai quy hoạch cho người dân được biết, đồng thời giải quyết dứt điểm việc khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng. Không thể để người dân Củ Chi đất thép đã hy sinh và đóng góp rất nhiều cho đất nước nhưng phải đi khiếu nại”, Bí thư Thăng khẳng định.
Liên quan đến bức xúc của người dân về việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho khu đô thị Tây Bắc, trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nhã sau buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thăng đặt vấn đề: Tại sao đất trống thì quy hoạch đô thị trong khi đất có dân ở thì lại quy hoạch là đất cây xanh để “trói” quyền lợi về nhà đất của người dân nhiều năm nay?
“Các ông hãy đặt địa vị của mình là người dân ở trong đó suốt 10 năm nay không được làm nhà, các ông thử chui vào nhà dân trong khu vực đó xem có ở được không?”, Bí thư Thăng truy vấn.
Công viên Sài Gòn Safari dự kiến có vốn khoảng 500 triệu USD (do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư), diện tích 475 ha, được triển khai tại xã Phú Mỹ Hưng và xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi). Năm 2004, địa phương đã bắt đầu việc bồi thường, thu hồi đất của hơn 700 hộ dân nhằm phục vụ việc xây dựng dự án. Tuy nhiên, sau 12 năm, siêu dự án vẫn đắp chiếu gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài của người dân. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.