Ông Trần Trung Thực. Ảnh: Đức Hùng |
Những ngày tháng tư, ông Trần Trung Thực (69 tuổi, trú thôn Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) miệt mài sửa xe ở tiệm nhỏ trên quốc lộ 15A. Tiệm của ông được treo tấm biển đơn sơ, mái lợp tranh, xung quanh treo đầy lốp và săm, khách chủ yếu là các em học sinh, phụ nữ.
Ông Thực là cựu binh từng tham gia quân ngũ, năm 1978 trở về quê lập gia đình, mở tiệm sửa xe đạp mưu sinh. Ông chia sẻ, tiền sửa xe mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, tiền chế độ thương binh 1,8 triệu, vợ chồng ông làm thêm 7 sào ruộng, tích góp cũng đủ nuôi 5 người con lớn khôn, trưởng thành.
"Ngày trước, người đi xe đạp nhiều còn có việc mà làm. Ba năm nay, xe đạp ít hơn rồi, mọi người dùng xe đạp điện nhiều lên, thỉnh thoảng tôi nhận vá thêm săm xe máy, thay nhông xích, mỗi tháng được khoảng một triệu đồng", người cựu binh cho hay.
Xã Mỹ Lộc, nơi ông Thực sinh sống là vùng quê nông nghiệp, người dân quanh năm chân lấm tay bùn, cuộc sống không dư giả, thu nhập bình quân thấp hơn các xã khác trong huyện Can Lộc. Ông Thực luôn đau đáu muốn làm một điều gì đó giúp quê hương cho dù tuổi già, sức yếu.
Ông Thực chia sẻ, hàng ngày, thấy nhiều em học sinh đưa xe đạp hỏng đến sửa, nhiều em xe hỏng cả săm cả lốp, song chỉ yêu cầu vá săm, còn lốp thì lót tạm để đi chứ không có tiền thay. Có những lần, ông thay nguyên cho các cháu một bộ lốp mới, nhưng chỉ lấy tiền săm.
Đầu năm 2017, ông Thực quyết định sẽ làm xe đạp tặng học sinh nghèo trong xã. Ông đi đến các tiệm phế liệu, mua lại khung xe đạp cũ, sắm thêm bộ vành, lốp mới... để lắp ráp.
Nhiều người tặc lưỡi bảo "điên", song ông Thực cười hiền nói ai cũng có ý tưởng và suy nghĩ riêng, miễn sao thấy trong tâm nhẹ nhàng. Vợ và các con ủng hộ quyết định này của ông.
Ông Thực lau chùi những chiếc xe vừa hoàn thiện để sắp tới tặng cho học sinh nghèo. Ảnh: Đức Hùng |
Để có tiền làm xe, ông Thực từ bỏ một số thói quen. Ngày trước, ông hút thuốc, từ khi lên ý tưởng làm từ thiện thì bỏ hẳn, một số khoản chi tiêu cá nhân khác cũng được cắt bỏ; mỗi tháng ông tiết kiệm được từ 400.000 đến 600.000 đồng.
Với tay nghề sửa xe 40 năm, việc lắp một chiếc xe hoàn chỉnh đối với ông Thực không khó, chỉ mất khoảng một ngày. Vất vả nhất là quá trình đi mua phế liệu để lắp ráp.
Ông Thực đi tới tất cả các tiệm bán sắt vụn, phế liệu trong toàn tỉnh Hà Tĩnh, chọn ra những bộ khung còn tốt để về chế tác. Với chiếc xe máy cà tàng, nhiều tháng trời ông rong ruổi trên mọi nẻo đường, khi lên huyện Hương Sơn, khi vào Kỳ Anh, quãng đường đi về tính ra phải hơn 100 km.
"Cũng may tôi được nhiều người thương, đến các tiệm sắt vụn, người chủ băn khoăn hỏi bác mua những cái đồ cũ này về làm gì, tôi đáp làm từ thiện. Ngay lập tức, họ bớt cho tôi vài chục nghìn, có khi còn khuyến mãi thêm cặp lốp đang mới", ông Thực nói.
Tháng 8/2017, sau thời gian mệt mài, ông Thực làm được 12 chiếc xe đạp. Những chiếc xe được ông lắp ráp rất chắc chắn, nhiều kiểu dáng. Ông tính toán, một chiếc xe chưa kể chi phí tiền công có giá 400.000 đồng, nếu mua mới bên ngoài cửa hàng là 1,2 triệu đồng.
Làm xong xe, ông Thực tới đặt vấn đề với Hội khuyến học xã, lãnh đạo trường Tiểu học và THCS Mỹ Lộc, chọn ra 12 cháu có hoàn cảnh khó khăn, học lực khá, giỏi để trao tặng vào buổi khai giảng ngày 5-9/2017.
Trao xong xe, ông dặn, nếu có hỏng hóc gì thì đưa đến quán, ông sẽ sửa lại, không lấy tiền. "Gần một năm rồi, nhưng chưa thấy cháu nào đưa xe đến sửa. Gặp thì các cháu lại hồ hởi kể chuyện, bảo xe đi rất tốt", cựu binh cho hay.
Em Hồ Thị Thu Hiền (học sinh trường Tiểu học Mỹ Lộc) cho biết, do nhà nghèo không có tiền mua xe đạp, khi được ông Thực tặng xe cả gia đình rất mừng. "Xe ông làm rất chắc chắn, chúng em luôn xem đây là một món quà vô giá", Hiền nói.
Ông Thực tặng xe đạp cho học sinh nghèo trường Tiểu học Mỹ Lộc vào tháng 9/2017. Ảnh: Tư liệu |
Năm nay, ông Thực đặt mục tiêu làm 20 chiếc xe đạp để tặng cho học sinh nghèo vào dịp khai giảng năm học 2018-2019. Thời điểm này, ông Thực làm đã làm được 16 chiếc. "Tiền làm 4 chiếc còn lại tôi chuẩn bị đủ rồi, giờ đang thiếu khung và vành thôi", ông Thực khoe.
Được nhà chức trách Hà Tĩnh tặng nhiều bằng khen, tuyên dương cựu chiến binh gương mẫu, ông Thực cười bảo còn nhiều người xứng đáng hơn mình. Nay tuổi gần thất thập, ông chỉ mong trời cho sức khỏe, để có thể giúp đỡ nhưng người khó khăn hơn mình.
Ông Trần Đình Trung, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc đánh giá ông Thực là một con người có tấm lòng nhân hậu, luôn làm việc với tinh thần mình vì mọi người. "Việc làm của ông Thực góp phần chắp thêm đôi cánh cho các em học sinh nghèo có điều kiện đến trường", ông Trung nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.