Người đàn ông bị vỡ eo động mạch chủ được cứu sống |
Ngày 16/1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đã cứu sống người đàn ông bị vỡ eo động mạch chủ, đây được xem là ca hy hữu bởi tỉ lệ sống chỉ 5/10.000 trường hợp.
Trước đó, bệnh nhân Trần Bá Kiện (47 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) vào Chợ Rẫy trong trạng thái lơ mơ, huyết áp không đo được, phải bóp bóng thở nội khí quản. Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tại đây hồ sơ bệnh án được ghi vỡ eo động mạch chủ ngực.
Sau khi tiếp nhận, bác sĩ Chợ Rẫy đã đưa bệnh nhân ngay vào phòng mổ song tiên lượng 90 % là tử vong. Bác sĩ Vũ Duy, Phó khoa Cấp cứu nhớ lại buổi chiều tiếp nhận bệnh nhân Kiện trong tình trạng đa chấn thương vì TNGT, nguy kịch vì mất máu ồ ạt.
Khoa cấp cứu phải mời khoa ngoại mạch máu cùng hội chẩn, khoa ngoại mạch máu chỉ định mổ cấp cứu gấp và bỏ qua hàng loạt thủ tục hành chính bởi tính mạng nạn nhân lúc này đang tính từng giây.
Trong quá trình mổ bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở 3 lần. Theo bác sĩ Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Mạch máu, lúc phẫu thuật các ông đã cố tìm quả tim bóp để hồi sức nhưng dường như quả tim biến mất. Tim lúc này không còn máu để co bóp, sau khi được truyền máu kịp thời tim mới có những nhịp đầu tiên trở lại. Ê-kíp đã vá vết rách trong 30 phút, truyền tổng cộng 20 đơn vị hồng cầu lắng, sau 2 giờ ca phẫu thuật thành công đã đưa bệnh nhân từ cửa tử trở về.
Do bệnh nhận bị đa chấn thương mất máu nên phải nằm Hồi sức mất 1 tháng ròng mới cai thở. Nhờ được điều trị vật lý trị liệu mạch máu, chế độ dinh dưỡng tốt sau 2 tháng bệnh nhân đã hồi tỉnh và có thể trò chuyện trở lại. May mắn không để lại di chứng tổn thương não, tủy, gan, thận…
Bác sĩ Phạm Minh chia sẻ, thường một người có khoảng 5 lít máu, nếu vỡ mạch chủ bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút vì chảy máu ồ ạt. Đây là ca cứu sống hy hữu bởi tỷ lệ sống những trường hợp tương tự chiếm 5/10.000 trường hợp. 85-90% các ca vỡ động mạch chủ ngực đều tử vong trước khi đến được bệnh viện. May mắn vết rách động mạch chủ được màng phổi vùng trung thất còn và bao bọc nên vẫn còn cầm cự cho bệnh nhân.
Những trường hợp này, thời gian không có nhiều, vừa chuẩn bị vừa tiến hành phẫu thuật ê-kíp đón bệnh một cách nhanh gọn, chính xác. Tuy vậy, ngay khi vào đến bàn mổ, máu trong tim hết, tim xẹp đến mức tìm không ra, ê kíp hồi sức cấp cứu phải truyền máu khẩn cấp và bóp bóng tim trực tiếp trong lồng ngực mới giữ được tính mạng cho bệnh nhân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.