Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Giao thông |
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ GTVT rà soát, đề xuất điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay, có 35 dự án đã giảm giá vé (giảm giá vé loại 4 từ 140.000 đồng xuống 120.000 đồng; giảm loại 5 từ 200.000 đồng xuống 180.000 đồng), không cần giảm 27 dự án do giá vé thấp và đặc thù công trình hầm, 11 dự án chưa giảm, nguyên nhân do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến khiến doanh thu không đảm bảo trả nợ nên NĐT và ngân hàng chưa đồng ý giảm giá.
Về lộ trình tăng phí, Bộ trưởng Nghĩa cho biết, trong năm 2016 đã tạm dừng không tăng phí với các trạm thu phí hoạt động trước 2014, không bổ sung dự án mới nhưng sẽ có lộ trình tăng phí trong năm 2017.
Trước đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã báo cáo về hiện trạng các trạm thu phí. Theo ông Nghĩa, hiện có hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm thu phí (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm. Trong tổng số 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60- 70 km do địa hình vị trí đặt trạm bảo đảm 70 km không thuận lợi. Có 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách < 60 km, 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT chủ yếu thực hiện đầu tư trước năm 2011, do trước đây các trạm này thu phí nộp ngân sách.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết Bộ và các ban, ngành, địa phương đã thực hiện đúng quy định pháp luật. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu phí, trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT có chính sách miễn phí đối với xe thô sơ, xe máy nông nghiệp, xe gắn máy; đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng để các phương tiện cơ giới có quyền đi lại nhiều lần nhưng chỉ trả phí một lần trong ngày.
Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành khai thác vẫn còn có một số ý kiến phản ánh của người dân về vị trí trạm và tính công bằng của người sử dụng. Nguyên nhân có thể kể đến là: Một số vị trí đặt trạm thu phí lựa chọn chưa thực sự phù hợp; tâm lý không đồng thuận của người sử dụng do việc thay đổi từ miễn phí sang đóng phí sử dụng đường bộ; chính sách phí đối với thu phí lượt (hở) không thể công bằng tuyệt đối.
Qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến của Đoàn giám sát Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT xử lý những bất cập về giá tại 6 trạm và rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống trạm thu giá để đưa ra giải pháp xử lý tất cả các trạm còn lại trên toàn quốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.