Đà Nẵng: 2 nhà máy thép gửi đơn cầu cứu Thủ tướng

Tác giả: Tôn Bảo

saosaosaosaosao
Ý kiến 05/10/2018 20:47

Trước nhiều vấn đề liên quan đến 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tại Đà Nẵng, lãnh đạo nhà máy đã khẩn thiết cầu cứu Thủ tướng Chính phủ.


Ngày 5/10, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Dana – Ý chia sẻ, hiện nhà máy đang đứng trên bờ vực phá sản, các nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tài sản, vốn đầu tư và hàng ngàn người lao động sẽ mất việc làm do nhiều vấn đề liên quan đến việc ổn định để đưa nhà máy vào hoạt động.

nhà máy
Nhà máy thép DANA Ý

Trước tình hình trên, lãnh đạo nhà máy đã gửi đơn cầu cứu lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị người đứng đầu Chính phủ khẩn thiết chỉ đạo, các bên liên quan thể hiện trách nhiệm của mình trong việc quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh đối với người dân, doanh nghiệp và ban hành quyết định dứt khoát hướng điều chỉnh quy hoạch đối với Cụm công nghiệp Thanh Vinh để giải quyết mâu thuẫn vụ việc và đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, một là di dời nhà máy và thực hiện hỗ trợ, đền bù theo quy định pháp luật để phát triển khu dân cư; hoặc di dời các hộ dân cạnh Cụm công nghiệp Thanh Vinh đến nơi khác để nhà máy tiếp tục hoạt động”, ông Huỳnh Văn Tân, bày tỏ quan điểm.

Trước đó, tại thông báo số 197/TB-UBND ngày 29/12/2016, số 05-TB-UBND ngày 22/02/2017 và Công văn số 730/VP-QLĐTư ngày 13/3/2017 của UBND thành phố thể hiện rõ nội dung:“thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhà máy theo phương án đề xuất của Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Xây dựng.” Tuy nhiên, việc thực hiện giải tỏa, đền bù, tái định cư ì ạch, chậm tiến độ không thông suốt nên người dân vô cùng bức xúc và liên tục bao vây cản trở hoạt động hai nhà máy thép của Công ty Dana Ý và Công ty Dana Úc cho rằng gây ra ô nhiễm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khi phải sống cạnh cụm công nghiệp.

thép
Người dân trong một lần đối thoại 3 bên liên quan đến quyền lợi của mình

Trong thời gian từ tháng 3/2018 đến nay, công ty đã có hàng chục đơn kiến nghị, trình bày nguyện vọng đến Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng và các cơ quan liên quan kiến nghị giải quyết những vấn đề tồn đọng, ổn định cuộc sống của người dân để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đơn khẩn thiết cầu cứu Thủ tướng có đoạn: “Nếu sự việc không giải quyết sớm thì cuộc sống người dân cạnh cụm công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng dẫn đến phản ứng càng lúc càng gay gắt; an ninh trật tự tại khu vực càng căng thẳng, khó tránh khỏi trường hợp xảy ra xô xát; người lao động bị bất ổn công việc và tinh thần; doanh nghiệp thì không thể yên tâm hoạt động, gây thiệt hại càng lúc càng trầm trọng, tình hình kinh tế thành phố cũng không ổn định, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế. Như vậy, tất cả các lợi ích đều không đạt được”.

“Việc chậm trễ giải quyết những vấn đề liên quan càng làm cho công ty thiệt hại trầm trọng, kiệt quệ nguồn lực và lâm vào tình trạng phá sản, các nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tài sản, hàng ngàn người lao động sẽ mất việc làm”, ông Huỳnh Văn Tân, chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận