300 lao động Trung Quốc sẽ vào nhiều đợt
UBND Đà Nẵng vừa cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi Trung Quốc đưa 300 lao động vào làm việc tại công trường thi công khách sạn 5 sao JW Marriott trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn).
Lý do được công ty đưa ra là công trình đang chậm tiến độ không kịp phục vụ Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào năm 2017. Trong khi đó lao động Việt Nam không thích ứng với công việc kỹ thuật phức tạp cũng như khó khăn trong giao tiếp vì bất đồng ngôn ngữ.
Đại tá Trần Hữu Do, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (CA TP Đà Nẵng) cho biết đây là dự án điểm của thành phố Đà Nẵng. Công ty tuyển lao động tại chỗ là người Việt Nam gặp nhiều khó khăn nên thành phố mới đồng ý cho công ty này chuyển lao động từ Trung Quốc sang.
Theo đại tá Do, con số 300 lao động là do phía công ty đưa ra nhu cầu, còn trên thực tế chỉ hơn 100 lao động thường xuyên có mặt làm việc. Cơ quan chức năng Đà Nẵng yêu cầu những lao động này khi nhập cảnh phải làm việc và sống theo đúng pháp luật Việt Nam.
Nếu phát hiện sai phạm, phía công ty là đơn vị quản lý lao động phải chịu trách nhiệm. Việc kiểm tra hành chính là cần thiết nhưng cũng cần tạo điều kiện để công ty xây dựng đúng tiến độ.
Khu resort của Công ty Silver Shores. Ảnh: TTO |
Ông Nguyễn Văn An, phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP Đà Nẵng cho biết 300 lao động Trung Quốc này sẽ không sang cùng một lúc, mà sang từng đợt tùy theo nhu cầu xây dựng công trình. Số lao động này sẽ làm việc từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2017.
“Quan điểm của sở và UBND TP tạo điều kiện cho lao động Trung Quốc làm việc, miễn sao đúng pháp luật Việt Nam. Việc lao động Trung Quốc sang lúc nào, bao nhiêu cơ quan chức năng sẽ nắm rõ từ khâu xác minh hồ sơ đến cấp giấy phép lao động”, ông An nói.
Trước đó, giữa tháng 10/2015, công ty TNHH Sichuan Hua Shi đã có văn bản trình UBND TP Đà Nẵng xin sử dụng cán bộ kỹ thuật nước ngoài để hỗ trợ hoàn thành khách sạn JW Marriott, kịp thời phục vụ cho sự kiện APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng.
Cũng tại công trình này, cách đây 2 tháng các lực lượng chức năng Đà Nẵng đã phát hiện, xử phạt hành chính và trục xuất 64 trường hợp lao động Trung Quốc trái phép. Những lao động này núp bóng trá hình dưới hình thức khách du lịch.
APEC 2017 chỉ là cái cớ để đưa lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng?
Việc cấp phép đối với lao động Trung Quốc đã nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tỏ ra khá bất ngờ: “Tôi rất ngạc nhiên với thông tin này. Có ai giao cho họ (TNHH Sichuan Huashi - PV) làm cái việc đó đâu? Chưa ai giao họ làm việc đó hết!”. Đồng thời ông cũng cho rằng việc lấy lý do dự án chậm tiến độ để đề nghị đưa lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng là hơi… kỳ lạ.
“Nói chậm tiến độ là chậm so với cái gì? Ai giao? Với thời hạn nào? Cần làm rõ việc này chứ không thể để họ lấy APEC 2017 làm cái cớ đưa hàng trăm lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng!” – ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng phải tận dụng nguồn lao động trong nước để phục vụ việc xây dựng công trình.
“Không có lý do gì mà đơn vị này nói không tuyển được lao động địa phương. Họ tuyển lúc nào, tiêu chuẩn ra sao? Chỉ khi không giải quyết được trong nước, ngay tại TP này thì mới tuyển lao động nước ngoài.
Còn tiếng Trung thì chỉ cần bố trí phiên dịch, mà thật ra người thợ làm đâu có đối thoại với ông thiết kế làm gì, cho nên lấy tiêu chuẩn không biết tiếng Trung là không đúng. Đây là khu vực nhạy cảm nên phải rất, rất hạn chế. Đây là công trình phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh APEC, họ làm như thế có đảm bảo về an ninh không?”, ông Tiếng cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.