Đà Nẵng hỗ trợ ngư dân hơn 2 tỷ đồng sau vụ cá chết. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Chiều 13/6, ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, hỗ trợ ngư dân sau vụ cá chết và cá của ngư dân không tiêu thụ được.
Trên 2 tỷ hỗ trợ ngư dân sau vụ cá chết
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, cho biết vụ cá chết hàng loạt ở các vùng biển bắc miền Trung đã ảnh hưởng đến Đà Nẵng. Nước vẫn sạch, cá biển vẫn không nhiễm độc nhưng "hiệu ứng vụ cá chết" khiến nhiều người ngại không dám ăn hải sản. Các ngư dân đi đánh bắt về không bán được. Ở các chợ, mức tiêu thụ hải sản các loại giảm nhiều so với thời điểm chưa xảy ra hiện tượng cá chết.
Ông Tám đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ cho 825 tàu ngư dân dưới 20 CV một lần 1 triệu/1 tàu; 456 tàu từ 20CV đến 90 CV hỗ trợ 2 triệu/tàu; miễn phí tiền thuê mặt bằng đối với 330 hộ kinh doanh tại chợ cá Thọ Quang trong tháng 5 với số tiền trên 258 triệu. "Tổng mức tiền hỗ trợ cho ngư dân và các tiểu thương gặp khó khăn sau vụ cá chết hàng loạt là khoảng 2,2 tỷ đồng", ông Tám đề xuất.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhắc lại sự ảnh hưởng ghê gớm của vụ cá chết đến các ngành kinh tế Đà Nẵng và cho biết, lãnh đạo TP luôn quan tâm, tạo điều kiện và sát cánh cùng ngư dân. "Những mức đề xuất hỗ trợ như trên, lãnh đạo TP đồng ý. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT phải rà soát cẩn thận để tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng và không được bỏ sót bất cứ ai", ông Thơ chỉ đạo.
"Xóa sổ" thuyền thúng để cho biển Đà Nẵng đẹp hơn
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đỗ Tám cũng đã trình bày đề án "xóa sổ" thuyền thúng và tàu dưới 20CV tại Đà Nẵng. Đây là đề án nhằm làm cho bãi biển khu vực Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà) đẹp hơn, thu hút du khách xuống tắm biển.
Vị lãnh đạo này, cho biết TP Đà Nẵng có 777 chiếc tàu và thuyền thúng dưới 20 CV. Riêng tàu có 303 chiếc và 474 thuyền thúng gắn máy với khoảng 1.400 lao động. Những ngư dân khai thác hải sản bằng thuyền thúng chủ yếu đánh bắt gần bờ, hiệu quả kinh tế không cao.
"Tuy nhiên, ở khu vực ven biển Mân Thái hàng ngày có hàng trăm chiếc thuyền neo đậu nên rất nhếch nhác. Cảnh mua bán hải sản diễn ra hàng ngày ở ven biển khiến mùi tanh bốc lên. Hàng trăm mét bờ biển từ dưới chân núi Sơn Trà đến phường Mân Thái vốn rất đẹp nhưng không có ai xuống tắm. Theo quy hoạch phát triển du lịch của TP, thời gian tới khu vực này sẽ là bãi tắm nên việc "xóa sổ" các thuyền thúng là tất yếu", ông Tám nói.
Vị lãnh đạo này đề xuất, TP TP Đà Nẵng sẽ thu mua toàn bộ tàu và thúng nhỏ để tiêu hủy. Theo đó, đối với tàu dưới 20 CV được làm bằng ghe nan thì TP Đà Nẵng sẽ mua lại 20 triệu đồng/chiếc; ghe gỗ mua từ 25-30 triệu/chiếc. Ngoài ra, TP cũng sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/lao động để ngư dân chuyển đổi nghề từ năm 2017 đến năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Tám nếu mua hết các tàu và thuyền thúng ngay trong năm 2017 thì vấn đề chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho ngư dân sẽ gặp khó khăn. "Do đó, chúng ta chỉ mua tàu và thuyền thúng một cách chọn lọc và dần dần. Nếu làm tốt thì đến năm 2020, TP Đà Nẵng chỉ còn lại khoảng 200 tàu dưới 20 CV và không còn thuyền thúng nào”, ông Tám cho hay.
Ông Thơ đặt câu hỏi: "Tại sao không mua hết luôn 200 chiếc tàu dưới 20 CV mà vẫn để hoạt động? Bãi biển dài có mấy cây số mà có đến 200 chiếc tàu thì nước biển vẫn còn tanh, dân và du khách không tắm được".
Ông Tám giải thích, nếu mua hết 200 tàu này thì khoảng 1.000 ngư dân sẽ không có phương tiện để làm ăn. "Do đó, chúng ta phải chờ để sau này các khu nghỉ dưỡng, khách sạn xây xong ở khu vực này thì TP mới làm việc với chủ đầu tư để nhận họ vào làm việc. Nếu giờ mình "xóa sổ" hết tàu nhỏ thì sẽ xảy ra tình trạng ngư dân bị thất nghiệp", ông Tám nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ đồng tình với đề xuất trên và chỉ đạo: "Cái này phải lấy bài học giải tỏa để rút kinh nghiệm. Phải kiếm việc làm trước cho ngư dân rồi mới tính đến chuyện mua lại tàu, thuyền của họ. Nếu làm không tốt, nhận được mấy chục triệu tiền bán tàu rồi họ ăn tiêu hết mà không có việc làm thì càng khó hơn".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.