Đà Nẵng: Trung tâm dạy lái bán đấu giá suất học lái xe 'chen ngang'

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 20/04/2021 06:59

Trung tâm đào tạo lái xe ôtô và mô tô Liên Chiểu của Công ty CP dịch vụ và vận tải ôtô số 6 (75 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tổ chức bán đấu giá các suất học bằng lái xe ôtô để thu tiền chênh lệch, tạo điều kiện cho học viên 'chen ngang' gây bức xúc dư luận.


Việc tổ chức đấu giá các suất học bằng lái ôtô đã diễn ra tại Trung tâm đào tạo lái xe ôtô và mô tô Liên Chiểu từ nhiều tháng nay. Những học viên đã đăng ký nhưng không tham gia lớp học hoặc không nộp học phí đúng hạn sẽ bị cắt suất học. Trung tâm sẽ tổ chức đấu giá các suất học đó nhằm thu tiền chênh lệch. Số tiền thu được từ việc đấu giá này được lãnh đạo công ty cho hay tất cả đều đưa vào quỹ dành cho các hoạt động công đoàn.

Đấu giá công khai

Theo tìm hiểu của PV, từ nhiều tháng nay, Trung tâm đào tạo lái xe ôtô và mô tô Liên Chiểu đã thực hiện đấu giá các suất học lái xe ôtô. Cụ thể, thời gian gần đây việc đăng ký học lái ôtô tại các trung tâm trên địa bàn này gần như quá tải. Mỗi học viên đăng ký phải chờ mất vài tháng mới đến lịch học. Chính vì vậy, Trung tâm đào tạo lái xe ôtô và mô tô Liên Chiểu đã tổ chức đấu giá các suất học nhằm để học viên có nhu cầu có thể chen chân vào các lớp học mà không cần phải chờ đợi nhiều tháng liền.

ô tô 4
Ông Đinh Quốc Tuyến, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ và vận tải ô tô số 6 người ngồi giữa cho rằng việc bán đấu giá hồ sơ học lái tại trung tâm nhằm tạo điều kiện cho người nhà cán bộ ở trung tâm

Trao đổi với PV, một giáo viên từng dạy tại trung tâm này cho hay, mỗi suất học sẽ được trung tâm tổ chức đấu giá, số tiền thu được cho mỗi suất học là khoảng 3 đến 5 triệu đồng. Theo giáo viên này, việc đấu giá này là hoàn toàn tự phát của lãnh đạo trung tâm, không có hóa đơn chứng từ trong quá trình thu tiền.

Liên quan vụ việc, ông Đinh Quốc Tuyến, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ và vận tải ô tô số 6 thừa nhận, Trung tâm có tổ chức bán đấu giá các suất học lái ô tô. Việc tổ chức đấu giá này đã diễn ra được khoảng 4, 5 khóa học, tức là vài tháng trở lại đây.

Ông Tuyến phủ nhận việc sau đấu giá, mỗi suất học thu về 3 đến 5 triệu đồng mà cho rằng mỗi suất chỉ thu được 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Tuyến cho hay, việc bán đấu giá hồ sơ học chỉ thực hiện trong bộ phận giáo viên dạy lái xe và người được nhận hồ sơ phải là người nhà, người thân của giáo viên trong trung tâm.

“Việc này nhằm tạo điều kiện cho người nhà của các thầy, muốn đi học nhưng chưa đăng ký được thì tham gia đấu giá để được học sớm. Số tiền thu được thì chúng tôi sung vào quỹ công đoàn của công ty sau đó chi cho các hoạt động thăm bệnh, các hoạt động phúc lợi và làm từ thiện…” – ông Tuyến lý giải.

ô tô 2
Cũng theo ông Tuyến mỗi khóa chỉ có đấu giá từ 1 - 2 bộ hồ sơ học lái

Cũng theo ông Tuyến, việc đấu giá hồ sơ học lái xe ôtô nói trên là do phí Công đoàn công ty đề xuất nhằm tăng các khoản thu, phục vụ cho các hoạt động công đoàn và đã được sự đồng ý của cán bộ nhân viên trong công ty. “Phía công đoàn đề xuất và lãnh đạo công ty thấy hợp lý nên đã đồng ý. Khoản tiền này cũng không nhiều, chủ yếu để dành cho hoạt động phục vụ cho các cán bộ nhân viên trong công ty chứ lãnh đạo công ty không hưởng lợi từ việc đấu giá trên” – ông Tuyến khẳng định.

Khi chúng tôi đặt vấn đề mỗi khóa học thì có bao nhiêu suất được đấu giá, ông Tuyến cho hay không có nhiều, chỉ khoảng 1 đến 2 suất và trung tâm mới chỉ thu chừng 10 triệu đồng từ việc này.

Giám đốc nói thu 500 đến 1 triệu, Chủ tịch Công đoàn nói từ 1,5 đến 2 triệu

Trong khi ông Tuyến cho hay số tiền từ việc đấu giá hồ sơ không nhiều và chỉ từ 500 đến 1 triệu đồng thì ông Trần Văn Hiền, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP dịch vụ và vận tải ôtô số 6 khẳng định số tiền thu được từ đấu giá là khoản 1,5 đến 2 triệu đồng/1 hồ sơ.

Khi chúng tôi đặt vấn đề liệu việc đấu giá này sẽ khiến giáo viên lợi dụng mua hồ sơ để thực hiện đấu giá cao hơn và thu tiền chênh lệch của học viên không phải là người thân thì ông Tuyến khẳng định chưa phát hiện trường hợp nào như nói trên. “Chúng tôi có cách để kiểm soát việc có phải là người nhà của giáo viên đó hay không vì khi nộp hồ sơ thì phải có tên tuổi. Vấn đề này phía Công đoàn công ty sẽ kiểm soát để tránh tình trạng lọt những hồ sơ không phải là người thân của giáo viên” – ông Tuyến cho hay.

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề cụ thể từng trường hợp ông Tuyến nói số liệu kế toán của trung tâm sẽ trả lời, nhưng khi PV trao đổi với cô Hoàng Thị Ánh Tuyết, thông kê, kế toán trung tâm đào tạo lái xe ôtô và mô tô Liên Chiểu cô này làm ra vẻ nghiêm trọng và từ chối thẳng: “Anh có phải công an đâu mà cung cấp…” cô Tuyết nói.

01
Những tin nhắn cho thấy mỗi khóa có từ 10 - 20 bộ hồ sơ được cô Tuyết nhắn tin cho các thày dạy ở trung tâm để đấu giá

Trong khi đó, ông Hiền cho rằng không có cách nào kiểm soát việc lợi dụng chủ trương trên để đưa người ngoài vào học. Ông Hiền cho hay, phía Công đoàn chỉ yêu cầu giáo viên chịu mọi trách nhiệm về việc đấu giá hồ sơ cho học viên mà thôi.

Lý giải tiếp về việc này ông Tuyến cho rằng, việc đấu giá hồ sơ cũng là “cái đúng”. “Vì lợi thế cho anh em giáo viên. Thời gian qua thì việc học bằng lái xe ôtô rất nóng, chính vì thế mà anh em đề xuất ra cái này để hỗ trợ người nhà có thể được học sớm hơn. Bên cạnh đó có thể tăng quỹ hoạt động cho công đoàn” – ông Tuyến nói. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc hoạt động công đoàn đã có quỹ riêng thu từ cán bộ nhân viên trong công ty theo quy định thì ông Tuyến cho hay khoản tiền này thu thêm cũng không nhiều.

Được biết, Trung tâm đào tạo lái xe ô tô và mô tô Liên Chiểu mở các lớp đào tạo lái xe ô tô với tần suất khoảng 1 tháng/ 1 lớp. Mỗi lớp học chiêu sinh 150 học viên. Học phí cho mỗi khóa đào tạo là 7.656.000 đồng/ 1 học viên.

Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc…

Ý kiến của bạn

Bình luận