Đặc sắc Tết của đồng bào dân tộc thiểu số

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Bạn đọc 24/01/2020 05:12

Mỗi độ xuân về, đồng bào các dân tộc Việt Nam lại có những phong tục rất độc đáo để đón Tết cổ truyền, đón xuân, mừng năm mới. Mỗi dân tộc có nét độc đáo riêng, tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú trong bức tranh toàn cảnh Tết của Việt Nam.

 

xem boi bang la gian lon
Tục xem bói bằng gan lợn của người Hà Nhì

Tết Nen Bươn Tiền của người Thái

Người Thái ở Sơn La và Lai Châu đón Tết hầu như suốt cả mùa, gọi là mùa Tết. Đầu tiên là Tết Soong Sịp (Tết Cơm Mới). Sau khi lúa ở ngoài đồng đã chín vàng, họ giết trâu, mổ lợn, lấy lúa mới đồ xôi nếp để cúng lễ. Mọi nhà đều tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau Tết Soong Sịp là Tết Kim Lao Mao (Tết uống rượu), Tết ông Táo và lớn nhất là Tết Nen Bươn Tiền (Tết Nguyên đán).

Trong đêm giao thừa Tết Nen Bươn Tiền, người lớn ngồi quây quần bên bếp lửa ấm cúng để chào đón những giây phút quan trọng, sự chuyển giao của năm cũ sang năm mới. Các chàng trai, cô gái rộn ràng tiếng trống chiêng cùng tiếng hát giao duyên âm vang rừng núi, chờ đợi đồng hồ báo thời khắc giao thừa đi lấy nước cầu may. Tục lấy nước cầu may của người Thái đã có từ bao đời đến nay vẫn được lưu truyền lại cho các thế hệ sau.

Việc lấy nước phải được thực hiện trước khi gà gáy canh 1. Nếu như lấy nước mà gà đã gáy rồi thì sẽ không còn ý nghĩa. Nước để lấy là nước suối, nhưng nếu ai lấy được nước ở đầu nguồn của con suối thì sẽ càng mát trong, thanh khiết hơn. 

Người Thái quan niệm lấy nước suối ở đầu nguồn về uống và rửa mặt trong những giây phút đầu tiên của năm mới thì sẽ được thanh khiết như nguồn nước suối và cả năm đó họ cùng gia đình sẽ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn.

Vào ngày đầu năm họ không quên đem dao, rựa đi ra đường phát quang tạo sự thông thoáng cho năm mới. Vui nhất là các hội Xòe Thái nổi tiếng, người dân tha hồ vui chơi cho đến rằm tháng giêng mới mãn.

Người Nùng với tục không làm bánh ngày chẵn

Người Nùng cũng đón Tết gần giống với người Kinh. Bữa ăn đêm giao thừa luôn được coi trọng nhất và nhất thiết cũng phải có bánh chưng nhưng điều đặc biệt là trước đó mấy ngày người Nùng không bao giờ gói bánh vào những ngày chẵn. 

Người dân tin rằng những ngày chẵn không may mắn, nếu cố tình gói bánh chưng vào ngày đó thì nương ruộng dễ bị vỡ lở, sâu bọ phá hoại mùa màng.

Đến sáng mùng một Tết, người Nùng cắt những băng giấy đỏ dán lên tất cả công cụ lao động trong gia đình và trên cả các cây trong vườn nhà, chuồng trại. Họ thắp hương cầu thần linh phù hộ cho mọi việc đều suôn sẻ trong năm mới.

Người Hà Nhì xem bói bằng gan lợn thiến

mua xoe thai

Trong ngày Tết của người Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới. Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự nuôi lấy. Nhà có điều kiện thì mổ lợn từ 60 - 100kg, thậm chí là 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40 - 50kg.

Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà vào dịp Tết. Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.

Tết cổ truyền của người Ê đê

Cách đây nhiều năm, Tết Nguyên đán vẫn còn là một điều mới lạ với đồng bào dân tộc Ê đê ở Tây Nguyên, nhưng ngày nay bà con đã cùng hòa chung niềm vui đón Tết cổ truyền với toàn dân tộc. Theo phong tục truyền thống, người Ê đê ăn Tết vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và khô. Đây là lúc để cúng tế tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, lúa thóc đầy kho.

Từ khi có sự giao lưu với người Kinh, dần dần “Tết Kinh” trở thành Tết của đồng bào Ê đê. Với người Ê đê, trong những ngày đầu năm mới họ sẽ đi đến thăm người thân, bạn bè. Khi đi, họ mang theo một con gà, thịt lợn làm quà Tết, đặc biệt là họ đến với những người trong năm qua có ấn tượng không tốt với mình để mong hâm nóng lại tình làng nghĩa xóm. Những ngày trước Tết, thanh niên lên rẫy lấy lá chuối, dây lạt; phụ nữ ở nhà chuẩn bị nếp, nhân đậu xanh, thịt mỡ để gói bánh Tét. Cả gia đình quây quần gói và nấu bánh bên bếp lửa. Bánh Tét, dưa món củ kiệu cũng là món ăn đặc trưng trong những ngày Tết của đồng bào bên cạnh ché rượu cần. Bánh mứt được chuẩn bị để tiếp khách trong những ngày Tết.

Trong những ngày giáp Tết, các buôn làng đồng bào Ê đê tràn ngập không khí rộn ràng của Tết Nguyên đán với những phong tục tập quán truyền thống của dân tộc trong khí trời se lạnh, căng tràn sức sống

Ý kiến của bạn

Bình luận