Đại biểu Quốc hội: 'Chúng ta sẽ già mà vẫn chưa giàu'

Chính trị 10/06/2017 14:35

Việt Nam đang đứng trước sức ép về tăng trưởng nhanh và liên tục để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

 

Đại biểu Quốc hội- 'Chúng ta sẽ già mà vẫn chưa gi
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi

Phiên thảo luận về kinh tế xã hội trên nghị trường hôm qua 9/6 khép lại lúc 18h30, với 56 đại biểu đã đăng đàn và còn 28 đại biểu bấm nút nhưng chưa được nêu ý kiến.

Chủ đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp và sức ép đối với các chỉ tiêu cân đối ngân sách. Theo đại biểu Phạm Phú Quốc, kinh tế thế giới năm 2017 có tín hiệu khởi sắc, nhưng GDP Việt Nam tăng chậm, quý I chỉ đạt 5,1%, thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. 

Ông cho rằng, Việt Nam đang đứng trước sức ép về tăng trưởng nhanh và liên tục để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Trước đây, tốc độ tăng trưởng đạt 8% mỗi năm, 10 năm qua lại chỉ đạt trung bình chưa tới 6,5%, tức là xu hướng tăng trưởng chậm lại, trong khi thời gian không còn nhiều, vì đến năm 2035 số người trong tuổi lao động của Việt Nam bắt đầu giảm tuyệt đối. 

"Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số bị già hóa nhanh nhất thế giới, quỹ thời gian còn lại là 18 năm mà thu nhập không tăng, năng suất không lên, nghĩa là chúng ta sẽ già mà vẫn chưa giàu", ông Quốc nói và đề nghị Chính phủ cần mạnh mẽ triển khai các giải pháp để "nền kinh tế không phải gồng mình nuôi nợ xấu, nuôi sự phi hiệu quả của đầu tư công, và chi phí thường xuyên cho một bộ máy biên chế quá nặng nề".

Cũng trong mạch ý kiến trên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho hay, những năm qua Chính phủ đã dành một phần ngân sách không nhỏ để trả nợ nhưng vẫn không đủ, buộc phải đi vay. Năm 2017, dự toán chi trả nợ gốc chưa bao gồm lãi là 163.846 tỷ đồng, trong đó vay trả nợ gốc là 156.537 tỷ đồng. “Tình trạng đảo nợ cho thấy Chính phủ đang gặp trục trặc với khả năng trả nợ của mình”, bà Thơ nhận xét.

Chính phủ đang ráo riết siết chặt chi tiêu công

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tỷ lệ nợ công năm 2010 ở mức 50%, đến năm 2015 ở mức 62,5%. Nếu xét về quy mô thì năm 2015 gấp 2,3 lần của năm 2010 và tăng bình quân 18,4%/năm.

Tuy nhiên, theo ông, trong những năm 2016-2017, vấn đề nợ công đã được kiểm soát thông qua phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài hơn. Năm 2013, Việt Nam phát hành kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bình quân khoảng 3 năm, đến năm 2016 đã phát hành lên đến trên 8 năm. “Năm 2014 lo đỉnh nợ vào 2016-2017 thì bây giờ đã qua được”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Ngoài ra, toàn bộ các khoản vay của giai đoạn 2011 và 2013 với lãi suất rất cao, từ 11% đến 13% thì vừa qua cơ quan chức năng đã phát hành trái phiếu để “trả được hết với lãi suất trên dưới 6%”.

“Chúng ta phải tập trung vào siết chặt chi tiêu, đặc biệt là chi thường xuyên”, ông Dũng nói và khẳng định cơ quan hành chính nhà nước cao nhất đang “ráo riết thực hiện việc này”. Tới đây Chính phủ sẽ ban hành quyết định về chế độ xe công mới, cùng với đó là các giải pháp về khoán chi, tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy… “Khi các giải pháp được tiến hành đồng bộ, chắc chắn rằng nhiệm vụ tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công sẽ rõ nét hơn”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

2 Đại biểu Quốc hội- 'Chúng ta sẽ già mà vẫn chưa
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi

Không khai thác dầu thô quá mức

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết rất phân vân về chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017. Ông đề nghị Chính phủ cần giải thích có sức thuyết phục, "không nên tập trung khai thác dầu, tài nguyên, nguồn thu từ tiền sử dụng đất… để đạt tăng trưởng, mà hãy coi đó là của để dành cho con cháu mai sau".

Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, một trong những lý do Chính phủ giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017 là “chúng ta phải phát triển nhanh để chống tụt hậu với các nước trong khu vực”.

Theo ông, trước tình hình giá dầu phục hồi, Chính phủ quyết định tận dụng cơ hội để khai thác thêm một triệu tấn phục vụ cho tăng trưởng. “Điều này là hoàn toàn tốt cho nền kinh tế và cũng không đến nỗi khai thác quá mức hay để cạn kiệt các nguồn tài nguyên. Xin các vị đại biểu Quốc hội yên tâm”, ông Dũng khẳng định.

3 Đại biểu Quốc hội- 'Chúng ta sẽ già mà vẫn chưa
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (bìa trái) và Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. Ảnh: Quochoi

Tình hình khiếu kiện diễn biến phức tạp

Trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết trong quý I năm 2017, tình hình có xu hướng tăng trở lại. Cụ thể, tăng 28,3% số lượt người, 23% số đoàn đông người và 72,9% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2016.

“Như vậy, tình hình khiếu kiện của công dân có diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam”, ông Sáu nói và thông tin thêm, sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, có nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích, chuyển sang tố cáo người giải quyết.

Lãnh đạo ngành thanh tra nêu lên một số nguyên nhân của diễn biến trên, trong đó có việc chính sách pháp luật về đất đai, nhất là công tác giải phóng mặt bằng đã dần hoàn thiện, nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.

Đăng ký tranh luận với Tổng thanh tra Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng khi phân tích nguyên nhân thì lãnh đạo cơ quan này “chưa nói đến công việc của mình”. Ông cho rằng, tính từ cuối năm 2016 đến nay, hoạt động của cơ quan thanh tra còn thiếu quyết liệt, chậm đổi mới… 

Ông Nhưỡng nêu lên một số trường hợp để dẫn chứng cho phát biểu của mình, trong đó có vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm (Hà Nội). Đại biểu này cho rằng, khi lãnh đạo Hà Nội vào đối thoại với người dân Đồng Tâm, cơ quan chức năng thành phố đã ra quyết định thanh tra toàn diện đất đai sân bay Miếu Môn. “Tuy nhiên, đây là đất quốc phòng, an ninh không thuộc diện đất của Hà Nội. Tôi chưa thấy Tổng thanh tra Chính phủ có ý kiến gì về vấn đề này. Tôi nghĩ lẽ ra phải tham mưu cho Chính phủ để cấp có thẩm quyền chỉ đạo Tổng thanh tra vào cuộc”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến của đại biểu đã được Ban thư ký tổng hợp đầy đủ và sẽ chuyển cho Chính phủ tiếp thu, tổ chức thực hiện

Ý kiến của bạn

Bình luận