Đại biểu Quốc hội: 'Không thể để quá nhiều tổng cục như hiện nay'

Chính trị 30/10/2017 14:58

Ông Nguyễn Hữu Cầu cho rằng sắp xếp lại cấp trung gian trong bộ máy là việc khó, nhưng không thể để nhiều như hiện nay.


tien-6424-1509333989
Đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng chất lượng đội ngũ làm việc trong bộ máy hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Ảnh: Q.H

Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay (30/10) để thảo luận chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Vào đầu phiên thảo luận đã có 51 đại biểu bấm nút đăng đàn. Các ý kiến chung nhận định về sự cần thiết sắp xếp lại các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng gọn nhẹ, giảm cấp trung gian...

"Tinh giản biên chế với tinh thần không khoan nhượng"

Nêu ý kiến đầu tiên, đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng chất lượng đội ngũ làm việc trong bộ máy hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. “Với hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức trong số 8 triệu người ăn lương, hằng năm ngân sách phải chi lượng tiền lớn để trả lương nhưng hiệu quả làm việc chưa cao”, ông nhận xét. 

Ngoài ra, theo ông Tiến, tinh giản biên chế cũng không đạt mục tiêu. Năm 2016 tổng biên chế tăng gần 4,8% so với 2011, bình quân mỗi năm tăng gần 1% mỗi năm.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn lo ngại với bộ máy hành chính cồng kềnh, ngân sách dù có là “nồi cơm thạch sanh” cũng khó bao bọc nổi. Tuy nhiên, theo ông, không đơn thuần tăng đầu mối là tăng biên chế, hay nhập tổ chức sẽ giúp giảm người ăn lương. 

"Việc tách hay nhập phải phụ thuộc vào tình hình thực tế. Vấn đề là tính toán tổng thể để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy với tinh thần không khoan nhượng", ông nói.

Chia sẻ với các ý kiến nêu trên, tuy nhiên đại biểu Tô Văn Tám nêu vấn đề: "Trong đội ngũ công chức hiện có bao nhiêu % chưa hoàn thành nhiệm vụ thì chưa có câu trả lời thoả đáng, như vậy sẽ khó tinh giản đúng đối tượng"

Ông Tám ví von thực trạng biên chế như "hình phễu", đầu vào to và đầu ra nhỏ; ở trung ương giảm thì dưới tăng, nghĩa là bóp trên phình dưới.

"Cấp trung gian chính là Tổng cục"

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (giai đoạn 2011-2016) nhiều lần đề cập đến tình trạng "bộ máy bên trong các bộ ngành nhiều tầng nấc trung gian; tình trạng bộ trong bộ"; đồng thời đề xuất "giảm cấp trung gian". Tuy nhiên, cấp trung gian là cấp nào thì báo cáo của Đoàn giám sát chưa làm rõ.

“Tôi cố gắng tìm hiểu xem Tổng cục có phải cấp trung gian không? Thấy rằng, hiện 17/22 bộ ngành có hơn 40 tổng cục. Các bộ ngành không có tổng cục là Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc, và các cơ quan này vẫn hoạt động bình thường”, ông Cầu nói.

Đại biểu Nghệ An thẳng thắn, đã đến lúc Quốc hội cần chỉ rõ cấp trung gian ở đây chính là Tổng cục, cục, vụ, chi cục, rồi trong bộ máy các đơn vị này lại có văn phòng cấp cục, vụ... 

"Đây là việc làm khó, nhạy cảm, khó cào bằng vì mỗi cơ quan có đặc điểm riêng nhưng không thể để nhiều như hiện nay”, ông Cầu nói.

kim-thuy-2708-1509336812
Bà Nguyễn Thị Kim Thuý -  Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội. Ảnh: Q.H

“Quá tải, ách tắc, thắt cổ chai”

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, phân tích 4 hệ luỵ trong cải cách bộ máy hành chính Nhà nước. Cụ thể như tình trạng cấp trên ôm đồm, bao biện còn cấp dưới đùn đẩy công việc dẫn tới “quá tải, ách tắc, thắt cổ chai”. 

Theo bà, thói quen xin ý kiến cấp trên làm chính quyền Trung ương quá tải, vấn đề phát sinh ở cơ sở chậm giải quyết, xử lý; cơ chế xin cho làm phát sinh tệ nạn tham nhũng; quy định trách nhiệm không rõ ràng, mỗi khi phát sinh khuyết điểm là cấp dưới đổ lên trên và ngược lại.

Bà Thuý cũng cho rằng, đạo đức công vụ của nhiều cán bộ, công chức còn hạn chế, một trong những nguyên nhân là "họ ít phụ thuộc vào dân và khi người dân đến gặp họ thì trong vai xin việc này, việc kia".

Nữ đại biểu đề xuất, quan chức chính trị cần được dân trực tiếp bầu hoặc phải được giới thiệu từ cơ sở. Cùng với đó, Nhà nước cần xây dựng phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân. Nghĩa là dân bầu cán bộ và "chấm điểm" công chức.

Ý kiến khác nhau về "tách - nhập" bộ máy

Ông Phạm Văn Hoà - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng tinh giản biên chế là "đụng đến con người" nên rất khó khăn, không khéo sẽ bị phản ứng, do vậy công việc này nên bắt đầu bằng thiết kế lại hệ thống chính trị, đối với các nhiệm vụ nhà nước không cần thiết thực hiện thì đẩy mạnh xã hội hoá.

"Qua đó, công chức sẽ chọn cho mình con đường khác, không nhất thiết bám trụ trong nhà nước với lương thấp", ông nói.

Đại biểu Đồng Tháp cũng đề xuất nghiên cứu hợp nhất các tỉnh có ít đơn vị hành chính trực thuộc (huyện, xã), quy mô dân số thấp vì hiện một số tỉnh chỉ có khoảng 700.000 dân, thậm chí dưới 500.000, ít hơn một quận của TP HCM.

"Việt Nam có 63 tỉnh, thành như hiện nay là quá nhiều. Bộ ngành quản lý rất vất vả. Cần nghiên cứu hợp nhất một số tỉnh cũng như một số bộ ngành có điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ", ông Hoà nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Lâm thì lưu ý đến việc giữ ổn định bộ máy, tránh xáo trộn thường xuyên "ảnh hưởng đến thống nhất nội bộ".

"Xin hãy để câu chuyện cây tre trăm đốt mãi đi vào cổ tích, câu thần chú khắc nhập khắc xuất không còn ứng nghiệm trong việc chia tách sáp nhập cải cách tổ chức bộ máy hành chính của đất nước", ông Lâm nói.

nguyen-ngoc-phuong-1497404863-8838-1509329622
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Q.H

"Phòng ban chỉ toàn lãnh đạo"

Nhắc lại chất vấn Bộ trưởng Nội vụ cách đây 5 năm về tinh giản biên chế, sau đó bộ máy không gọn lại mà phình ra, ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, nhận định quy định pháp luật ở đây "vẫn còn kẽ hở".

Theo ông, chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như "hàm Vụ trưởng", "hàm Vụ phó", hoặc là quy định các Bộ không có quá 4 Thứ trưởng nhưng thực tế đều nhiều hơn, có bộ đến 9 thứ trưởng...

“Trung ương làm được, tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được; tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được… từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ trong cơ quan Nhà nước, mà còn cơ quan Đảng, đoàn thể. Thực tế có phòng ban chỉ toàn lãnh đạo mà không có nhân viên, nhưng thời gian dài không ai bị nhắc nhở, phê bình”, ông Phương nêu thực tế và đề nghị việc cần làm ngay của bộ máy hành chính là "tinh giản cấp phó".

Đề xuất xác định rõ vai trò Nhà nước -  Thị trường - Xã hội

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, giai đoạn 2011-2016, cơ cấu tổ chức (số lượng các bộ) của Chính phủ được giữ ổn định, tổ chức bộ máy bên trong bộ ngành thực hiện đúng quy định pháp luật, tuy nhiên còn nhiều đầu mối.

Cuối năm 2016, số đơn vị hành chính trực thuộc các bộ tăng từ 418 lên 446, ngoài ra còn 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.

Ở cấp tỉnh, cơ cấu tổ chức bên trong của sở ngành còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng. 

Đoàn giám sát đề xuất hàng loạt giải pháp, kiến nghị để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Trong đó, Nhà nước chuyển những nhiệm vụ không cần thiết phải thực hiện cho xã hội đảm nhận, trên cơ sở xác định rõ vai trò Nhà nước -  Thị trường - Xã hội.

Chính phủ có nhiệm vụ xác định số đầu mối trực thuộc; sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong bộ ngành tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ...

Đối với chính quyền địa phương, Đoàn giám sát kiến nghị thực hiện từng bước  tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng tiêu chí; thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp; thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã ở nơi có điều kiện...

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận nội dung trên.

Theo đoàn giám sát, hiện có 16 bộ, cơ quan ngang bộ duy trì phòng trong vụ, tổng số phòng là 320. Trong đó nhiều vụ có rất nhiều phòng, như ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có từ 5 đến 7 phòng/vụ.

Ý kiến của bạn

Bình luận