Bình thường và cảm ơn…
Trực tiếp giảng dạy về "tax haven" - nơi trú ẩn thuế trên thế giới, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: Việc mở một công ty ở thiên đường về thuế như Panama, DN sẽ có những lợi ích là tránh được một nghĩa vụ thuế rất lớn mà đáng lẽ những DN này phải nộp cho các chính phủ.
“Thay vì 100 đồng lợi nhuận kiếm được ở Việt Nam, DN sẽ phải nộp 20 đồng thuế; nếu 100 đồng đó phát sinh ở Panama thì họ chẳng phải nộp đồng thuế thu nhập nào, hoặc nếu có thì rất ít”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh để phân biệt “tránh thuế khác với trốn thuế”.
Thực tế, hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho thấy, dòng vốn từ quần đảo BritishVirgin Islands – một “thiên đường thuế” thuộc top 5 đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Điều đó có nghĩa, rất nhiều nhà đầu tư đã chọn cách thành lập công ty ở BritishVirgin Islands để đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi thuế.
Một chuyên gia về đầu tư nước ngoài chia sẻ, bản chất của việc các “đại gia” có tên trong hồ sơ Panama là bình thường nếu như họ tuân thủ các quy định của pháp luật. Bởi vì ở những thiên đường thuế này, thuế suất thấp hơn bình thường, có khi là 0%.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, đứng ở góc độ pháp luật Việt Nam, chúng ta chỉ có thể xem xét các giao dịch xuyên biên giới của người có tên trong hồ sơ Panama, bao gồm các giao dịch về hàng hóa, dịch vụ và cả tiền tệ (ngoại hối) có được khai báo trung thực, đầy đủ, hợp lệ và minh bạch theo quy định của pháp luật hay không?
Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài có tuân thủ các quy định về giấy phép, phạm vi và lĩnh vực hoạt động hay không? Có hoạt động kinh doanh hay giao dịch hàng hóa, dịch vụ phát sinh đối với thực thể ở nước ngoài?
“Bởi vì, một trong những đặc điểm của tránh thuế ở các thiên đường thuế này là hầu như không có hoạt động tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nào diễn ra ở đây cả”, vị chuyên gia Fulbright nói.
Người ta chỉ đăng ký một thực thể pháp lý, nhưng thực thể này thường không có hoạt động sản xuất, không tổ chức lưu kho, không tổ chức phân phối, hậu cần cho sản xuất. Đó chỉ là một cái tên được đăng ký nhằm để hợp thức hóa hay tiến hành các thủ thuật kế toán lách thuế mà thôi.
Đối với các cá nhân có tên trong hồ sơ Panama, để xác định được một cá nhân có làm gì khuất tất hay không, thì quan trọng là phải xác định được thu nhập chịu thuế của người đó ở Việt Nam trước khi họ chuyển tiền sang 'thiên đường thuế'.
Nếu người đó có đăng ký mã số thuế ở Việt Nam, cơ quan thuế phải tính được chính xác mức thu nhập chịu thuế của người đó. Nếu có bằng chứng nào cho thấy, thu nhập chịu thuế của người đó cao hơn gấp nhiều lần con số gửi trong tài khoản ở Panama thì mới có căn cứ để điều tra dấu hiệu sai phạm.
Vì vậy, phải tách bạch rõ câu chuyện về những người có tên trong hồ sơ Panama. Nếu đã xác định được mức thu nhập chịu thuế của họ là chính xác, người ta có quyền chọn nơi nào đóng thuế thấp hơn. Nhưng “Nhiều trường hợp chuyển tiền sang đó có thu nhập “chìm”, không chính xác. Đó là việc cơ quan thuế phải làm rõ”.
Thực tế, hồ sơ Panama không phải là duy nhất trên thế giới. Các “tax haven” này không chỉ là "thiên đường" tránh thuế cho các tập đoàn xuyên quốc gia mà còn là "thiên đường" rửa tiền và cất giấu tài sản bất chính, đặc biệt từ tham nhũng.
Chính vì vậy, khi người thân của các chính trị gia có tên trong các danh sách này, người ta chưa cần biết vai trò của họ là gì, nhưng chỉ như vậy thôi thì các lãnh đạo đó cũng bị nghi ngờ, và mang tiếng xấu. Chính vì vậy, để không ảnh hưởng đến uy tín của đảng chính trị của họ, họ buộc phải từ chức.
Tiêu tiền mặt, khó kiểm soát
Theo Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có 4 đặc điểm của một “thiên đường thuế”. Một là không có thuế hoặc thuế rất thấp. Hai là thiếu cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả, tức là những “thiên đường thuế” này không hợp tác với các quốc gia hay chính phủ khác trong vấn đề chia sẻ thông tin. Ba là thiếu sự minh bạch. Bốn là không có nhiều hoạt động kinh doanh.
Chính phủ Mỹ, các nước EU... cũng rất đau đầu về các “thiên đường thuế” này vì nó làm thất thu ngân sách rất nghiêm trọmg
Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ các nước nói chung, cũng như phía Việt Nam nói riêng, rất khó nắm được các thông tin về những giao dịch qua lại các “thiên đường thuế”.
Theo các chuyên gia, với một đất nước vẫn chủ yếu dùng tiền mặt như Việt Nam, thì việc có dòng tiền chạy ra nước ngoài lách thuế, hay gửi ở các “thiên đường thuế” cũng nhiều khả năng xảy ra hơn và mức độ kiểm soát cũng khó hơn.
Trên bảng cán cân thanh toán quốc tế (BOP) ở website của Ngân hàng Nhà nước, hạng mục “lỗi và sai sót” trên BOP của Việt Nam thường rất lớn, lại mang dấu âm.
“Điều này cho thấy, có một lượng ngoại tệ không nhỏ chảy ra nước ngoài nhưng không được khai báo, không được thống kê và hạch toán trong BOP”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn lưu ý.
Chỉ tính trong quý 4/2015, số liệu của NHNN cho thấy, hạng mục “lỗi và sai sót” này đã lên đến gần 5 tỉ USD.
Theo chuyên gia Fulbright, trong 2 năm 2014-2015, mục “lỗi và sai sót” trong bảng cán cân thanh toán của NHNN lên đến khoảng -15 tỉ USD. Thậm chí một số năm trước đây, đặc biệt là 2009, lên đến -9 tỉ USD.
“Điều này cho thấy rằng, có rất nhiều giao dịch ngoại tệ ra và vào Việt Nam đã không được khai báo, ghi nhận”, vị giảng viên Fulbright nhấn mạnh.
Lưu ý không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa con số này với hồ sơ Panama, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ, quy mô hạng mục “lỗi và sai sót” lớn như vậy cho thấy có vấn đề trong vấn đề quản lý cán cân thanh toán của NHNN.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.