Giày Sài Gòn vẫn đang cho hãng xe Thành Bưởi thuê khu "đất vàng" làm điểm tập kết hàng hóa. Ảnh: Báo Giao thông. |
Đầu tháng 12, Công ty cổ phần Giày Sài Gòn (mã CK: SSF) lần thứ hai gửi đơn lên Thủ tướng và lãnh đạo TP HCM đề nghị cho doanh nghiệp này gia hạn thời gian thuê và chuyển đổi quy hoạch sử dụng khu "đất vàng" gần 11.000 m2, nằm ngay trung tâm quận 10.
Lý giải nguyên nhân đề nghị gia hạn khi thời gian thuê đất còn kéo dài đến năm 2020, ban lãnh đạo công ty cho rằng quyền lợi cổ đông đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lãnh đạo TP HCM mới đây đã xem xét chuyển đổi thành đất giáo dục theo đề nghị của Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Dù đang trong giai đoạn khủng hoảng và nợ thuế triền miên, công ty vẫn tự tin đủ năng lực huy động vốn trên thị trường chứng khoán để triển khai phương án tái cấu trúc hoạt động kinh doanh ngay trên khu đất này.
Hoạt động kinh doanh bắt đầu khó khăn khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn hồi năm 2015. Điều này dẫn đến hàng loạt hệ quả như người lao động bức xúc, cơ quan thuế cưỡng chế… khiến đối tác truyền thống mất lòng tin, không tiếp tục ký hợp đồng nên công ty tạm ngưng sản xuất và giải thể các phân xưởng để tái cơ cấu. Nhằm đảm bảo đời sống cho nhân viên và giải quyết tạm thời những khó khăn trước mắt trong lúc tìm kiếm phương án hoạt động mới, công ty đã tận dụng một phần văn phòng và nhà xưởng cho đơn vị ngoài ngành thuê.
Tuy nhiên, hoạt động này bị Sở Tài nguyên & Môi trường kết luận trái với quy định về mục đích sử dụng theo quyết định cho thuê đất cách đây mười năm. Cuối năm ngoái, công ty bị xử phạt vi phạm hành chính do tự ý cho hãng xe Thành Bưởi thuê khu đất này làm kho bãi, văn phòng giao dịch và bãi giữ xe với giá dao động từ 293 triệu đến 381 triệu đồng một tháng. Do hợp đồng thanh lý trước thời điểm xử phạt nên công ty được ghi nhận thành tình tiết giảm nhẹ, chỉ nộp phạt 15 triệu và bị truy thu số lợi bất hợp pháp 2,4 tỷ đồng.
Hồi tháng 5, UBND TP HCM tiếp tục có văn bản yêu cầu Giày Sài Gòn chấm dứt hành vi sử dụng sai mục đích, nếu tiếp tục sẽ bị thu hồi và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phục vụ nhu cầu phúc lợi tại địa phương. Công ty ngay lập tức lách luật bằng cách thay đổi hợp đồng cho thuê đất thành “hợp đồng hợp tác kinh doanh”.
Cục Thuế TP HCM mới đây cũng yêu cầu công ty kê biên danh mục tài sản để thi hành quyết định cưỡng chế thuế đối với khoản nợ hơn 12 tỷ đồng tiền thuê đất quá hạn. Theo số liệu từ cơ quan thuế, tổng số tiền thuê đất cả năm của Giày Sài Gòn xấp xỉ 22 tỷ đồng. Đơn giá thuê đất giai đoạn đầu năm của Giày Sài Gòn là 422.000 đồng một m2. Sau khi nhân hệ số vị trí và điều chỉnh giá, từ tháng 3 đến cuối năm tăng lên hơn một triệu đồng.
Công ty cổ phần Giày Sài Gòn tiền thân là nhà máy Societe Bata S.A Strasbourg, được thành lập từ những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước và cổ phần hóa vào năm 2004.
Báo cáo tài chính năm ngoái ghi nhận doanh thu thuần của công ty chưa đến 11 tỷ đồng, giảm hơn chín lần so với năm trước và chỉ hoàn thành khoảng 85% kế hoạch đề ra. Ngoài nguồn tiền cho thuê đất thì Giày Sài Gòn, từ một nhà máy nổi tiếng thời Pháp thuộc, sau giải phóng được chuyển đổi và phát triển thành doanh nghiệp đầu ngành da giày khu vực phía Nam, giờ phải sống lay lắt nhờ… doanh thu thanh lý máy móc, nguyên vật liệu hư hỏng và hàng tồn kho.
Do dự trù khoản lỗ cả năm đến 30 tỷ, nên dù lỗ thực tế tăng gấp ba lần lên gần 28 tỷ đồng nhưng công ty vẫn hoàn thành ngoạn mục kế hoạch đề ra. Khoản lỗ này phần lớn đến từ việc phát sinh chi phí trợ cấp thôi việc hơn 24 tỷ đồng do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 550 nhân viên. Tại thời điểm cuối năm, công ty còn 13 nhân sự phụ trách công tác quản lý và hai người trong số này cũng chờ nghỉ việc. Điều này cũng khiến đơn vị kiểm toán cho rằng tồn tại nhiều yếu tố gây nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Do khó khăn về tài chính, các ngân hàng đều không đồng ý tài trợ tín dụng nên Giày Sài Gòn lần đầu tiên phải vay nợ cá nhân. Công ty vay ông Lê Đức Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi 9,2 tỷ đồng với lãi suất 0,9% một tháng. Khoản vay này được đảm bảo bằng quyền mua lại cổ phiếu quỹ khi công ty có nhu cầu bán ra.
Tiếp đó tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên năm nay, công ty ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT tìm kiếm và đàm phán với các tổ chức, cá nhân vay hoặc mượn gói tài chính 25 tỷ đồng để ứng cứu tài chính khẩn cấp nhằm giúp công ty thực hiện nghĩa vụ nợ kịp thời. Song song đó, một biện pháp khác cũng được công ty triển khai là tăng gấp đôi vốn điều lệ lên mức 32 tỷ đồng.
Dù không còn hoạt động kinh doanh chủ lực nhưng năm nay, công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lạc quan với 15 tỷ đồng doanh thu (tăng 3%) và lỗ trước thuế giảm xuống còn 9 tỷ đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.