Đại học Đà Nẵng dự kiến mở nhiều ngành sư phạm, kỹ thuật mới

21/01/2019 06:02

Các trường, đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng giữ ổn định phương án tuyển sinh năm 2018, mở rộng xét tuyển thắng.

dh-da-nang-1547961663-8257-1547961758
Sinh viên Đại học Đà Nẵng trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Đại học Đà Nẵng

Theo Đại học Đà Nẵng, năm nay trường dự kiến tuyển hơn 13.300 chỉ tiêu cho 10 cơ sở giáo dục đại học thành viên và đơn vị trực thuộc.

Về phương án tuyển sinh, Đại học Đà Nẵng tiếp tục giữ ổn định phương án xét tuyển như năm 2018, tức là chủ yếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia nhằm "giữ sự ổn định, tránh gây sốc, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, thầy cô và học sinh trong giảng dạy".

Trường cũng xét thẳng bằng học bạ vào một số ngành, đơn vị trực thuộc, đồng thời mở rộng diện xét tuyển và ưu tiên xét tuyển.

Theo đó, ngoài việc xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tuyển thẳng thêm thí sinh đạt giải nhất, nhì học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) bậc THPT vào các khối ngành tùy thuộc vào môn đạt giải. Trường cũng xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên và tổng điểm hai môn thi THPT quốc gia thuộc tổ hợp xét tuyển (trừ Ngoại ngữ) đạt từ 12 điểm trở lên (trong đó có môn Toán).

Chỉ tiêu xét tuyển thẳng mỗi ngành lấy bằng 20% chỉ tiêu ngành. Trường hợp số lượng đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu thì ưu tiên điểm tiếng Anh, sau đó đến Toán.

Đại học Sư phạm Kỹ thuật xét tuyển thẳng các ngành (trừ Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp) đối với học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi lớp 12 hoặc đạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Tin.

Trường xét tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp đối với học sinh có ba năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Tin. Đối với đối tượng xét tuyển thẳng theo diện học sinh giỏi, tổng điểm hai môn thuộc tổ hợp xét tuyển tối thiểu cần đạt từ 15 trở lên.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, có kết quả ba môn (phù hợp với ngành đào tạo trong đó có Toán hoặc Văn) đạt điểm tối thiểu mỗi môn từ 60/100 trở; thí sinh có kết quả thi SAT đạt từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên.

Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh/thành phố và đạt giải trong các cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng, các cuộc thi nghệ thuật cấp tỉnh/thành phố.

Đại học Bách khoa lần đầu xét theo học bạ cho 50% chỉ tiêu đối với các chương trình tiên tiến, kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, chương trình chất lượng cao các ngành Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Trong đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khi xét học bạ là tổng ba môn đạt 21 điểm, đối với chương trình tiên tiến phải có điểm IELTS từ 5.5 trở lên hoặc điểm học tập tiếng Anh ở THPT từ 7 trở lên.

Về ngành nghề và tổ chức đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành dự kiến sẽ được mở thêm như Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng ở Đại học Bách khoa; Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân, Tin học và Công nghệ tiểu học (Đại học Sư phạm), Khoa học dữ liệu (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh).

Đại học Đà Nẵng là đại học vùng trọng điểm quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành đào tạo. Năm 2019, Đại học Đà Nẵng có 10 cơ sở giáo dục đại học thành viên, đơn vị trực thuộc tuyển sinh hệ đại học chính quy gồm: Đại học Bách khoa, Kinh tế, Sư phạm, Ngoại ngữ, Sư phạm Kỹ thuật, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VN-UK), Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa Giáo dục Thể chất, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kontum.

Ý kiến của bạn

Bình luận