Ôn lại truyền thống qua những giai đoạn phát triển của nhà trường, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, Trường Đại học GTVT tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính Việt Nam, được khai giảng lại dưới chính quyền cách mạng ngày 15/11/1945. Năm 1960, Bộ GTVT quyết định thành lập Ban xây dựng Trường Đại học GTVT với nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở nhân lực, vật lực để triển khai đào tạo kỹ sư GTVT của Việt Nam ở bậc đại học.
Ngày 24/3/1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Quyết định số 42/CP thành lập Trường Đại học GTVT. Năm 1984, Trường trở về dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ GD&ĐT. Năm 1990, Trường thành lập cơ sở II (nay là Phân hiệu của Trường Đại học GTVT tại TP. Hồ Chí Minh) để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ ngành GTVT ở các tỉnh phía Nam.
Từ năm 2009, thực hiện Đề án đổi mới Giáo dục đại học Việt Nam do Bộ GD&ĐT xây dựng, Trường Đại học GTVT đã chuyển đổi mô hình đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ, lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo; đồng thời thực hiện tầm nhìn đưa Trường Đại học GTVT đến năm 2030 trở thành một trường đại học nghiên cứu, đa ngành, có chất lượng ngang tầm khu vực.
Năm 2019, Nhà trường hoàn thành việc xây dựng chương trình và chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo theo chuẩn CDIO cho các ngành kỹ thuật.
Đặc biệt, Trường Đại học GTVT là một trong hai cơ sở đào tạo đại học đầu tiên được kiểm định chất lượng quốc gia (năm 2016) và đã hoàn thành kiểm định chất lượng lần hai năm 2022. Trường có vị trí xứng đáng trên các bảng xếp hạng quốc tế, nằm trong top 20 cơ sở đào tạo đại học Việt Nam theo bảng xếp hạng Webometrics, được đánh giá đạt chuẩn 4 sao trong bảng xếp hạng đối sánh chất lượng các trường đại học UPM.
Từ năm 2018, Nhà trường nằm trong nhóm 20 cơ sở giáo dục đại học có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất cả nước. Nhiều kết quả từ nghiên cứu của Nhà trường đã được chuyển giao và mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội, góp phần vào sự thành công của những định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao uy tín của ngành GD&ĐT trước xã hội.
Đến nay, tổ chức của Trường đã thật sự lớn mạnh với 1 Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh, 12 Khoa, 1 Bộ môn trực thuộc và 22 đơn vị Phòng, Ban, Xưởng, Trạm, Trung tâm, 2 Phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia và nhiều phòng thí nghiệm, thực hành khác. Nhà trường đảm nhiệm việc đào tạo 27 ngành đào tạo bậc đại học, 12 ngành đào tạo thạc sĩ và 8 ngành đào tạo tiến sĩ với khoảng 21.000 sinh viên và học viên các hệ.
Nhà trường hiện có 1.080 viên chức, trong đó có 814 viên chức khối giảng dạy với khoảng 40% giảng viên có học vị Tiến sĩ, gần 15% giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư. Phần lớn các giáo sư, nhà khoa học của Trường cũng đồng thời là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực GTVT, thường xuyên đóng góp ý kiến chuyên môn giúp định hình và phát triển ngành GTVT của đất nước.
Hàng vạn kỹ sư, cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ đã được đào tạo và đang có mặt trên mọi miền của Tổ quốc, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nhiều trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong lĩnh vực GTVT. Rất nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ kỹ thuật chủ chốt, các nhà khoa học giỏi, các cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, thành đạt trên vị trí công tác của mình.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng tới toàn thể Ban lãnh đạo, các thầy cô giáo, các nhà khoa học, cán bộ, người lao động và các học viên, sinh viên qua nhiều thế hệ của Nhà trường, đồng thời bày tỏ niềm tự hào to lớn của ngành GD&ĐT về những thành tựu mà Trường Đại học GTVT đã xuất sắc đạt được trong 60 năm qua.
“Rất nhiều công việc cần làm phía trước để có thể đảm bảo cho Trường Đại học GTVT giữ vững vị trí cũng như nâng tầm xếp hạng trong nước và quốc tế. Tôi tin tưởng rằng, với cơ hội rộng mở, với truyền thống xây dựng và phát triển lâu dài rất đỗi tự hào, với kinh nghiệm phong phú đã có, với quyết tâm của Ban lãnh đạo, tập thể các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các cán bộ và học viên, sinh viên, chắc chắn Trường Đại học GTVT sẽ sớm đạt được những mục tiêu đề ra, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Chính phủ, của ngành Giáo dục và nhân dân cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tin tưởng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.