Đại lễ VESAK: Lan tỏa hòa bình và yêu thương

Tác giả: Thanh Mai

saosaosaosaosao
Xã hội 02/05/2019 11:27

Đại lễ Vesak sẽ diễn ra từ 12 đến 14/5 tại Chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, với sự tham gia của 1.500 đại biểu đến từ 106 quốc gia, vùng lãnh thổ và 1 tổ chức quốc tế là Liên Hợp quốc.


vesak-sri-lanka-2018-6
Đại lễ Phật đản cầu cho quốc thái dân an

Ý nghĩa của Đại lễ Phật đản (Vesak)

Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai truyền thống Nam tông và Bắc tông. Ngày nay người ta thường biết đến Phật Đản qua tên gọi Vesak. Từ Vesak chính là từ ngữ thuộc ngôn ngữ Sinhalese cho các biến thể tiếng Pali, "Visakha". Visakha / Vaisakha là tên của tháng thứ hai của lịch Ấn Độ, ngày lễ vào tháng vesākha theo lịch Ấn Độ giáo, tương ứng vào khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch). Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước láng giềng Đông Nam Á theo Phật giáo Nguyên thủy, lễ Phật đản được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha của lịch Phật giáo và lịch Hindu, mà thường rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5 của lịch Gregorian phương Tây. Lễ hội được gọi là Visakah Puja (lễ hội Visakah) hay là Buddha PurnimaPhật PurnimaPurnima nghĩa là ngày trăng tròn trong tiếng Phạn hay là Buddha JayantiPhật Jayanti, với Jayanti có nghĩa là sinh nhật ở Nepal và Tiếng Hindi. Thái Lan gọi là Visakha Bucha; Indonesia gọi là Waisak; Tây Tạng gọi là Saga Daw; Lào gọi là Vixakha Bouxa và Myanmar (Miến Điện) gọi là Ka-sone-la-pyae(nghĩa là Ngày rằm tháng Kasone, cũng là tháng thứ hai trong lịch Myanmar).

Từ xa xưa, Đại lễ Vesak hay còn gọi là Lễ Tam hợp (Phật Đản sinh, Phật Thành Đạo và Phật nhập Niết bàn) là ngày lễ kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam tông, bắt đầu từ Sri Lanka sau đó truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào…và  thường tổ chức lễ Vesak vào ngày trăng tròn trong tháng 4 Âm lịch. Một số quốc gia chịu ảnh hưởng Phật giáo Bắc tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) thường tổ chức lễ Vesak vào ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch.

Vào ngày lễ này, các Phật tử thường vinh danh Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng như dâng cúng các lễ vật chay tịnh, đến Chùa nghe giảng Pháp và thực hành ăn chay, giữ giới, thực hành bố thí, làm việc thiện nguyện, công đức tùy tâm. Ngày kỷ niệm Vesak cũng có nghĩa là làm những việc từ bi hỉ xả để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật và người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người trong cộng đồng. Trong ngày lễ đặc biệt này, việc phóng sinh các loại thú vật, chim, côn trùng…là một hành động mang tính biểu tượng của sự giải thoát, của sự trả tự do cho những người bị giam cầm, bị tù đày.

Vào ngày 28/10/1999, đại diện của 34 nước trên thế giới đã đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự thảo Nghị quyết công nhận Đại lễ Vesak. Đến ngày 12/11/1999 thì Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/54/235 công nhận ngày trăng tròn tháng 5 là ngày tổ chức Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày đản sinh, thành Đạo và nhập Niết bàn của Đức Phật Tổ.

Trong Nghị quyết này có viết rằng: Lời dạy của Đức Phật và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của Ngài đã chuyển hóa hàng triệu người…Thừa nhận ngày trăng tròn tháng 5 hàng năm là ngày thiêng liêng nhất của người Phật tử, kỷ niêm ngày sinh, ngày thành Đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật”. Từ năm 1999 đến nay, tại trụ sở chính của Liên Hợp quốc ở New York và nhiều nơi trên thế giới đều tổ chức Đại lễ Vesak. Đặc biệt các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời tại Châu Á thì mỗi năm đều theo tinh thần của Nghị quyết Liên Hợp quốc mà long trọng tổ chức Đại lễ Vesak, trong đó có Việt Nam được vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak quốc tế vào năm 2008 và 2014.

Có thể nói, đại lễ Phật đản Vesak không chỉ có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với những tín đồ Phật tử mà có thể thấy tinh thần từ bi của Đức Phật đã lan tỏa khắp thế giới, được nhiều người học tập. Đại lễ Vesak còn có ý nghĩa thể hiện cho hòa bình thế giới vì vậy đã mang ý nghĩa rất nhân văn. Với bất kỳ một quốc gia nào được đăng cai tổ chức đại lễ Vesak đều là một niềm tự hào vô cùng to lớn. Nó không chỉ là một ngày lễ rất có ý nghĩa, có tầm quốc tế mà hơn hết điều đó sẽ giúp cho hình ảnh của đất nước tổ chức được bạn bè quốc tế biết đến. Đối với Việt Nam, đây là lần thứ ba được vinh hạnh tổ chức Đại lễ quốc tế Vesak là một niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam. Có được thành quả này trước hết là tinh thần hướng đạo của người Việt Nam, đặc biệt là tín đồ Phật tử trên khắp cả nước. Bên cạnh đó là uy tín của chúng ta qua các kỳ đăng cai tổ chức Vesak 2008 tại Hà Nội và Vesak 2014 tại Ninh Bình đã thành công rực rỡ. Và một yếu tố quan trọng là chính sách bình đẳng, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân Việt Nam. Chính điều đó đã giúp phát huy vai trò to lớn của các tôn giáo trong đó có Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Chùa Tam Chúc - nơi diễn ra Đại lễ Vesak 2019

Chua-Tam-Chuc
Chùa Tam Chúc nơi diễn ra sự kiện quan trọng này

Chùa Tam Chúc nằm trong Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc tọa lạc trên núi Thất Tinh và được xây dựng từ thời nhà Đinh, với điển tích Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh”. Trong tích “Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh kể lại, trong dãy núi 99 ngọn ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương thì có 7 ngọn núi ở gần làng Tam Chúc, điều lạ là trên đỉnh 7 ngọn núi này có 7 chấm sáng như những ngôi sao nên gọi là thất tinh và Chùa có thêm tên gọi là chùa Thất Tinh. Vào năm 2000, khi đoàn công tác khảo sát hồ Tam Chúc đã phát hiện nhiều dấu tích cổ xưa. Từ các hiện vật khảo cổ đã xác định được chùa Tam Chúc cổ xưa đã có tuổi đời trên 1000 năm. Từ những phát hiện quan trọng đó đã thôi thúc những trái tim tâm huyết, nhất trí khôi phục lại ngôi cổ tự này.

Chùa còn có tên gọi là chùa Ba Sao vì theo tích có người đến 7 ngọn núi kể trên đốt củi hòng lấy 7 ngôi sao nhưng chỉ làm mờ được 4 ngôi sao, còn lại 3 ngôi sao nên gọi là Ba Sao. Chùa từ đó còn được gọi là chùa Ba Sao.

Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc không những có cảnh quan đẹp, có lịch sử lâu đời, mà còn gắn sự tích với nhà Đinh cũng như nằm trong vùng có nhiều di tích danh thắng nổi tiếng như Đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, Động Thủy, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh...

Trong quần thể tâm linh này còn có Đình Tam Chúc, ngôi đình này nằm giữa lòng hồ có đường đê nhỏ dẫn vào cũng đang được phục dựng, trùng tu. Ngôi đình này thuộc ngôi đình làng thờ Hoàng hậu nhà Đinh tên Dương Thị Nguyệt và Đinh Tiên Hoàng Đế cũng như thờ thần Bạch Mã. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, vua Đinh đã đón bà về Hoa Lư và phong tước Hoàng hậu và bà cũng chính là người sáng tác ra trò hát “xuân phả” mà cháu con ngày nay đang  tái hiện.

Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc hiện nay còn mang nhiều nét độc đáo mới như: toàn bộ tường của chùa Tam Chúc được ghép bằng 12.000 bức tranh đá lấy từ núi lửa; vườn cột kinh khổng lồ gồm 1.000 cột đá, được biết mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn; có cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường (Jaya Sri Maha Bodhi) ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura (Sri Lanka), với tuổi thọ 2.250 tuổi; 3 bức tượng Phật Tổ bằng đồng đen nặng hơn 200 tấn, thiên thạch mặt trăng “The Moon Puzzle” trị giá trên 600.000 USD...

Chủ đề chính của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 là cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, dự kiến sẽ có khoảng hàng vạn đại biểu Phật giáo thuộc các tỉnh, thành trong cả nước cùng các đại diện Phật giáo, các học giả, giới truyền thông quốc tế từ các châu lục sẽ về hội tụ.

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam về nội dung chương trình tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2019, Đại lễ diễn ra từ ngày 12 đến 14/5. Ngoài chương trình khai mạc, bế mạc, Đại lễ sẽ có 5 hội thảo quốc tế với các chủ đề: “Sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục và đạo đức toàn cầu”; “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giáo dục Phật giáo”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững” và một phiên hội thảo trong nước.

Trong khuôn khổ Đại lễ còn có các hoạt động như: Các nghi lễ Phật giáo, thả hoa đăng, triển lãm, các chương trình nghệ thuật, tham quan…

 

Ý kiến của bạn

Bình luận