Nhiều showroom kinh doanh xe nhập khẩu chuyển sang kinh doanh xe đã qua sử dụng. Ảnh: TNTBros. |
Bước vào showroom chuyên kinh doanh các dòng xe nhập khẩu hạng sang trên đường Láng (Hà Nội), tôi bất ngờ bởi số lượng lớn những chiếc xe đã mang biển số, điều hoàn toàn trái ngược với thời gian trước đây. Khi đó, những chiếc xe ở showroom này chủ yếu là xe nhập mới hoặc chạy lướt từ nước ngoài về, chưa đăng ký biển Việt Nam.
Tình cảnh tương tự cũng có thể thấy tại một showroom khác trên đường Dương Đình Nghệ (Hà Nội), số lượng xe đã qua sử dụng chiếm phần đông trong cửa hàng thay vì những chiếc xe nhập mới. Một nhân viên tại showroom cho biết bây giờ chuyển dần qua buôn xe cũ chứ việc nhập khẩu gần như hết cửa.
Nhanh nhạy hay là “chết”
Nghị định 116/2017 quy định rõ doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải chứng minh được khả năng bảo hành, bảo dưỡng và có giấy ủy quyền triệu hồi chính hãng từ nhà sản xuất nước ngoài.
Đây được xem là điều hết sức khó khăn đối với những doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ, kinh doanh cùng lúc nhiều mẫu xe của nhiều hãng khác nhau. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ phải tự chứng minh được năng lực với nhà sản xuất nước ngoài để có thể nhận các giấy tờ ủy quyền liên quan đến triệu hồi, bảo hành, bảo dưỡng, mà điều này dường như không thể xảy ra.
Lường trước những khó khăn khi thị trường được siết chặt, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã lên kế hoạch thay đổi chiến lược kinh doanh từ vài tháng nay. Vị này cho biết nghị định đã ban hành tức là đã được chính phủ thảo luận rất nhiều nên không có gì phải bàn cãi. "Đây được xem là một bước phân chia lại thị trường ô tô nhập khẩu: ai có khả năng đến đâu thì làm đến đó, tránh tình trạng nhập khẩu tràn lan như hiện nay", vị này cho biết thêm.
Nhiều showroom chuyển từ kinh doanh xe nhập khẩu sang kinh doanh xe cũ trong nước và bán nốt số lượng xe đã nhập trước đó. Nếu không áp dụng hình thức kinh doanh này, showroom sẽ khó duy trì hoạt động bởi việc nhập xe mới với họ là điều rất khó vào lúc này.
Trong khi đó, một showroom chia sẻ vẫn sẽ nhập xe nhưng chỉ trong trường hợp khách đặt hàng. Chiếc xe này sẽ được xử lý theo đường biếu tặng, khách hàng sẽ chịu thêm những khoản phí khác.
Từ đó, đại lý có thể được hưởng lợi bằng các khoản phí dịch vụ, tuy nhiên con số này không đáng kể. Quy định mỗi cá nhân, tổ chức chỉ được nhập 1 ôtô/năm dưới dạng biếu tặng khiến hình thức này không còn là kẽ hở cho các doanh nghiệp lợi dụng để nhập ồ ạt.
Loại bỏ cách làm ăn chộp giật
Bỏ ra một khoản tiền để nhập khẩu xe về bán rồi bỏ mặc khách hàng khi xảy ra trường hợp triệu hồi, xe lỗi là cách nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vẫn làm trước đây. Nghị định 116/2017 sẽ chấm dứt tình trạng này và người hưởng lợi chính là khách hàng, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu xe chia sẻ.
Cái được của người dùng là sự yên tâm, tin tưởng hơn vào sản phẩm đã mua ở đại lý nhập khẩu chính hãng. Nhưng chắc chắn giá bán của sản phẩm sẽ không được tốt như các showroom bên ngoài trước đây.
Trong trường hợp, khách mua xe muốn bổ sung thêm những trang bị đồ chơi, phụ kiện, tính năng việc đặt hàng từ hãng cũng có chi phí cao hơn so với mua một chiếc xe đã đầy đủ lựa chọn từ showroom ngoài.
Hạn chế các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ồ ạt, nghị định này đồng thời cũng là tiền đề để các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng phát triển thêm về dịch vụ. Ngành sản xuất lắp ráp xe trong nước sẽ không chịu tổn thất nhiều khi hội nhập.
Theo đại diện của một showroom nhập khẩu ô tô, nghị định 116 sẽ phần nào giúp bảo vệ các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe tại Việt Nam, nhất là khi sắp bước sang năm 2018.
Nếu thả lỏng việc nhập khẩu ô tô khi thuế ASEAN về 0%, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước có thể gặp khó. Sự phát triển của xe nhập sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước chững lại và không biết khi nào mới có thương hiệu xe Việt. Trong tầm nhìn dài hạn, quy định khắt khe về nhập khẩu sẽ giúp ngành công nghiệp nội địa phát triển hơn, đến thời điểm đủ lớn giá xe tại Việt Nam cũng có thể rẻ đi.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho rằng nghị định này có thể tạo ra lợi ích nhóm dành cho các nhà sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô lớn. Tuy nhiên, nhóm này tạo ra công ăn, việc làm và đóng góp lượng lớn cho ngân sách nhà nước. Việc quản lý nhóm này cũng dễ dàng hơn so với quản lý rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ lẻ, kinh doanh với những hình thức lách luật tinh vi.
Như vậy sau khi Thông tư 20 hết hiệu lực, chính phủ đã có điều chỉnh về thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng theo dung tích động cơ để kiểm soát việc nhập khẩu. Nghị định 116/2017 có thể coi là bản nâng cấp hoàn chỉnh hơn của thông tư 20, giúp kiểm soát chặt chẽ hơn về kinh doanh nhập khẩu ôtô.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.