Trước đó, một uỷ ban độc lập đã tiến hành điều tra Daihatsu, hãng xe thuộc Toyota Motor, về các hoạt động thử nghiệm an toàn. Daihatsu hồi tháng 4/2023 cũng thừa nhận đã tùy chỉnh các chi tiết bên trong cửa xe đối với những mẫu xe thử nghiệm.
Động thái bị cho là gian dối này được hãng xe Nhật Bản thực hiện nhằm mục tiêu giảm thiểu các nguy cơ khi va chạm, giúp cửa xe không bị gãy, vỡ tạo thành dạng sắc nhọn có thể làm bị thương người trên xe khi túi khí bên bung ra. Kết quả điều tra cho thấy có tổng cộng 88.000 xe Toyota Vios và Perodua Axia liên quan tới hành vi gian dối. Perodua là liên doanh ô tô Malaysia mà Daihatsu đang nắm giữ 25% cổ phần.
Cuộc điều tra cũng cho thấy các thiết bị túi khí được Daihatsu sử dụng ở những xe thử nghiệm có sự khác biệt so với túi khí trên những xe bán ra thị trường. Những xe này bao gồm các mẫu Toyota Town Ace, Pixis Joy hay Mazda Bongo (mẫu xe van và bán tải phát triển trên nền tảng Daihatsu và Toyota).
Sau khi thừa nhận hành vi gian dối, đến tháng 5/2023, Daihatsu cho biết đã dừng bán đối với các mẫu xe Toyota Raize Hybrid và Daihatsu Rocky Hybrid.
Đáng chú ý là mới đây, hôm 19/12, Toyota Motor cho biết vụ bê bối liên quan đến cả những mẫu xe đang bán tại các thị trường Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Campuchia; các thị trường khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Peru, Chile, Bolivia và Uruquay.
Vụ bê bối thậm chí lan rộng sang cả thương hiệu xe tải, xe chuyên dụng Hino. Theo đó, Hino đã thừa nhận cung cấp các dữ liệu sai lệch về khí thải cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu đối với 3 dòng động cơ do hãng này sản xuất.
Chưa hết, bê bối gian lận bị điều tra còn ảnh hưởng đến một số mẫu Mazda và Subaru bán ở Nhật Bản cũng như một số mẫu Toyota và Daihatsu ở thị trường nước ngoài do những liên quan trong quá trình hợp tác phát triển.
Những gian lận liên quan vụ bê bối này còn bao gồm các báo cáo giả mạo về các thử nghiệm tác động tới tựa đầu ghế và tốc độ thử nghiệm với một số mẫu xe. Cuộc điều tra thấy các vụ gian lận đặc biệt phổ biến từ sau 2014.
Ông Soichiro Okudaira, Chủ tịch Daihatsu, thừa nhận "sự việc cực kỳ nghiêm trọng", đồng thời cho biết thêm rằng mọi giấy phép pháp lý mà nhà sản xuất ô tô nhận được thông qua các biện pháp gian lận đều có thể bị các cơ quan thực thi pháp luật tiến hành thu hồi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cho biết có thể sẽ thực hiện một cuộc điều tra tại trụ sở của Daihatsu ở Osaka vào hôm nay (21/12).
Daihatsu là thương hiệu ô tô thuộc tập đoàn Toyota Motor. Tính trong 10 tháng năm 2023, Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe, trong đó gần 40% số xe được sản xuất tại các thị trường ngoài Nhật Bản. Hãng xe cũng đã bán được khoảng 660.000 xe trên toàn cầu trong 10 tháng năm 2023 và chiếm 7% tổng doanh số của Toyota Motor.
Các chuyên gia nhận định, bên cạnh động thái dừng vận chuyển xe trên toàn cầu đến khi được các cơ quan chức năng cho phép tiếp tục được bán ra thị trường, bên bối gian lận về thử nghiệm an toàn còn kéo theo những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với hãng xe Nhật Bản. Trong đó, uy tín cùng những danh tiếng về chất lượng và độ an toàn của cả 2 thương hiệu Daihatsu và Toyota sẽ bị ô uế.
(Theo Reuters, Bloomberg)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.