Đắk Lắk: Đẩy nhanh tiến độ GPMB đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột

Tác giả: Văn Hùng

saosaosaosaosao

Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ then chốt trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng để triển khai công trình.


Lực lượng chức năng tập trung công tác giải phóng mặt bằng

Lực lượng chức năng tập trung công tác giải phóng mặt bằng

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1872/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2020 và Quyết định số 2214/QĐ-BGTVT ngày 27/11/2020 phê duyệt hiệu chỉnh bổ sung. Công trình do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn (Ban QLDA) tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 39,6 km, đi qua TP. Buôn Ma Thuột và các huyện: Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin. Điểm đầu giao QL14 tại km1758+946, thuộc địa phận xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar, điểm cuối giao với QL14 tại km1790+400, thuộc địa phận xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. Tổng diện tích GPMB là 116,99 ha, số hộ dân ảnh hưởng là 1.388 hộ, phân theo loại đất: đất ở nông thôn 1,2/116,99ha (chiếm 1,03%, gồm 70 hộ, trung bình 5 khẩu/hộ); đất ở nông thôn có đất vườn: 8,33/116,99 ha (chiếm 7,1%, gồm 215 hộ, trung bình 5 khẩu/hộ); đất trồng cây lâu năm 86,20/116,99 ha (chiếm 73,6%; gồm 468 hộ gia đình, 6 doanh nghiệp cà phê, 2 tổ chức); đất trồng cây hàng năm 14,08/116,99 ha (chiếm 12,03%); đất trồng lúa nước 6,34/1116,99 ha (chiếm 5,4%); đất cơ sở kinh doanh 0,26/116,99 ha (chiếm 0,2%, gồm 2 cơ sở); đất giáo dục 0,01 ha; đất nuôi trồng thủy sản 0,41 ha; đất trồng rừng sản xuất 0,08 ha. Đến thời này, công tác GPMB đã hoàn thành thực kiểm đếm, lập phương án GPMB 77,93/116,99 ha (đạt 66,61%), khoảng 24,75/39,6 km (đạt 62,50%) và đã bàn giao 2,05/39,6 km, đạt 5,2%. Đến nay, một số đầu mục công việc như: xác nhận nguồn gốc đất, phê duyệt hệ số giá đất... đã được thực hiện.
Trong quá trình thực hiện dự án được sự đồng thuận cao của các đơn vị liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương và sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân vùng dự án. Đây là yếu tố có vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB cũng như quá trình triển khai xây dựng công trình.
Ông Phạm Văn Hạ - Giám đốc Ban QLDA cho biết, với sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương, sự sát sao của Ban Chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 về tháo gỡ vướng mắc các dự án trên địa bàn tỉnh nên tiến độ GPMB dự án được đẩy nhanh. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa Ban QLDA với các địa phương có dự án đi qua được thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao.

Công tác giải phóng mặt bằng đang được đẩy nhanh tiến độ

Công tác giải phóng mặt bằng đang được đẩy nhanh tiến độ


Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương. Đây là cơ sở để đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện có hiệu quả công tác GPMB. Đồng thời, tỉnh cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các đối tượng liên quan, tạo sự đồng thuận để người có đất, tài sản chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, bàn giao mặt bằng cho dự án.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai GPMB, dự án cũng đối mặt với không ít khó khăn. Đơn cử như một số thửa đất có biến động về vị trí và diện tích giữa hiện trạng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, trên một số thửa đất có nhiều gia đình, cá nhân đứng tên nhận khoán hoặc một hộ nhận khoán nhưng nhượng thêm cho 2 - 3 hộ khác; các hợp đồng giao khoán giữa công ty cà phê với người nhận khoán không rõ ràng là một số nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng và phát sinh khiếu nại, khiếu kiện do ảnh hưởng đến lợi ích...
Thêm vào đó, dự án đi qua địa bàn của 6 công ty cà phê, trong đó một số công ty không cung cấp đủ hợp đồng giao nhận khoán, liên kết cũng như tạo lập tài sản trên đất giao, nhận khoán của các hộ dân dẫn đến không đủ cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Ngoài ra, nhiều trích lục bản đồ địa chính không cung cấp tên, địa chỉ thường trú của chủ sử dụng đất, làm mất rất nhiều thời gian cho việc xác định chủ sử dụng, địa chỉ chủ sử dụng và không tránh khỏi sai sót khi thông báo thu hồi đất. Hơn nữa, do hiệu ứng của dự án nên tình hình chuyển nhượng, mua bán quyền sử dụng đất xảy ra rất phức tạp, dẫn đến biến động về chủ sử dụng, diện tích thửa đất do tách thửa… làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB phục vụ thi công xây dựng công trình.

Công tác giải phóng mặt bằng đang được đẩy nhanh tiến độ

Công tác giải phóng mặt bằng đang được đẩy nhanh tiến độ


UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc 6 công ty cà phê phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, Ban QLDA và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin để xác nhận thời điểm sử dụng đất đối với các hộ dân nhận khoán, liên kết cũng như xác nhận năm tạo lập tài sản trên đất nhận khoán, liên kết của các hộ gia đình và ký kết hợp đồng giao nhận khoán với các hộ dân (đã hết hạn hợp đồng khoán) để có cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ; tiến hành đo đạc, kiểm đếm, lập, công khai phương án bồi thường hỗ trợ lập phương án chung (việc phân chia tài sản là giữa công ty cà phê với các hộ dân).
Để đảm bảo thời gian thi công của dự án, UBND các huyện, thành phố, thành viên tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương chủ động, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong đền bù GPMB nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện dự án; tiếp tục rà soát lại toàn bộ các công trình hạ tầng trên tuyến, phối hợp, làm việc với các đơn vị liên quan sớm di chuyển công trình hạ tầng ra ngoài phạm vi GPMB dự án, tạo thuận lợi để dự án được triển khai theo đúng tiến độ....

Ý kiến của bạn

Bình luận