Tuyến đường giao thông nông thôn được huy động từ nguồn kinh phí đóng góp của dân |
Tỉnh chỉ đạo, thôn không làm theo
Sau khi nhận được công văn số 1447, ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện hiện chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản số 6882 chỉ đạo đến các địa phương về vấn đề huy động vốn đóng góp.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương về việc đóng góp phải bàn bạc dân chủ và được sự đồng ý của dân, trong quá trình thực hiện tuyệt đối không được bắt buộc người dân phải đóng góp và không được huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ nghèo, người già, người già neo đơn, người tàn tật, hộ khó khăn, hộ chính sách phải đóng góp…
“Trong trường hợp nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân theo chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước thì Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi xảy ra tình trạng đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”, văn bản chỉ đạo nêu rõ.
Mặc dù tỉnh đã có chỉ đạo không thu tiền đóng góp của các hộ chính sách, hộ nghèo…, tuy nhiên tại thôn 8 (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) tình trạng này vẫn diễn ra khiến người dân vô cùng bức xúc.
Theo các hộ dân tại đây, mỗi khi có đợt huy động làm đường giao thông nông thôn mới, những hộ gia đình đều phải đóng theo nhân khẩu. Cụ thể, bất kể người già dưới 70 tuổi, trẻ em đã có giấy khai sinh đều phải đóng góp tiền bằng với người có khả năng lao động.
Một người dân (xin được giấu tên) cho biết, trong năm 2016 khi có kế hoạch làm đường nông thôn mới, gia đình ông đều phải đóng 110.000 đồng/người, tổng cộng với 4 người trong nhà, ông phải đóng số tiền là 440.000 đồng.
“Gia đình tôi có hai vợ chồng và hai con nhỏ, người con đầu chỉ mới 12 tuổi, con út mới được 6 tuổi chưa có khả năng lao động, nhưng bất cứ khi nào làm đường nhà tôi đều phải đóng cho cả 4 suất”, người dân này bức xúc. Cũng theo người dân này, không chỉ gia đình ông mà còn một số gia đình khác cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Trường hợp của ông Nguyễn Quang Duẩn (sinh năm 1962, thôn 8), mặc dù là bệnh binh với tỷ lệ thương tật là 68%, vợ lại mới mổ tim không có khả năng lao động nhưng gia đình ông vẫn phải đóng như các hộ gia đình khác.
Ông Duẩn cho biết, ông là bệnh binh hạng hai nên ông và hai người con trong thời gian đi học vẫn được Nhà nước hỗ trợ nhưng ông không hiểu lý do tại sao từ năm 2012 khi bắt đầu có kế hoạch triển khai đường giao thông nông thôn, gia đình ông bắt buộc phải nộp tiền theo đầu người.
Do không đồng tình nên sau đó ông Duẩn đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Kể từ năm 2012 - 2014, gia đình ông không phải đóng tiền làm đường giao thông nông thôn. Nhưng vào năm 2015, cán bộ thôn lại yêu cầu gia đình ông đóng 1,7 triệu đồng cho những lần triển khai làm đường. “Sau nhiều lần kiến nghị, đến năm 2016 thôn chỉ miễn giảm cho mỗi cá nhân tôi, còn 3 người trong gia đình vẫn phải đóng. Nếu gia đình nào không đóng tiền sẽ bị “bêu” tên trong mỗi cuộc họp dân”, ông Duẩn bức xúc nói.
Không chỉ các hộ thương binh vẫn phải đóng tiền xây dựng đường giao thông nông thôn mà những gia đình thuộc dạng hộ nghèo, lo cái ăn cái mặc còn khó vẫn phải đóng tiền xây dựng khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng.
Thôn tự đóng góp, xã không can thiệp
Ông Phạm Bá Mạnh - trưởng thôn 8 cho biết, do năm ngoái người dân đã triển khai họp dân thống nhất đóng tiền theo khẩu nên đến năm nay, các hộ dân đều đồng tình với phương án cũ. Cụ thể, trẻ em có tên trong hộ khẩu và người già dưới 70 tuổi đều phải đóng góp số tiền 110.000 đồng.
Theo ông Mạnh, các gia đình hộ nghèo năm 2016 vẫn phải đóng tiền, nhưng năm nay sau khi họp dân đã thống nhất miễn giảm cho những hộ nghèo. Còn về trường hợp thương bệnh binh, theo ông Mạnh chỉ có người trong diện này mới được hưởng chế độ miễn giảm, còn những người khác trong gia đình vẫn phải đóng góp như các gia đình khác.
Về vấn đề này, ông Đậu Công Điền - Phó Chủ tịch xã Cư Bao cho biết, việc thôn 8 vận động theo đầu người đã được thực hiện từ hai năm nay và được người dân thống nhất, ủng hộ, còn về vấn đề có miễn giảm hộ nghèo hay hộ có người khuyết tật thì do thôn tự biểu quyết, còn xã chỉ dựa trên văn bản thôn báo cáo lại và không can thiệp vào việc đóng góp. Theo ông Điền, để xảy ra tình trạng người dân bức xúc như báo chí phản ánh có thể là do thôn sơ suất, sử dụng từ ngữ không hợp lý mới dẫn đến hiểu lầm. Còn về việc áp lực thành tích thì lãnh đạo địa phương khẳng định là không có, ông Điền cho hay.
Ông Dương Tín Đức - Phó Chánh Văn phòng Ban điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương phải tùy vào sức dân mà vận động, đóng góp, không nóng vội, chạy theo thành tích. Bên cạnh đó, tỉnh nghiêm cấm việc bắt buộc các hộ nghèo, gia đình chính sách phải đóng góp.
Cũng theo ông Đức, Buôn Hồ là xã điểm nông thôn mới nên có thể nhiều thôn, buôn chưa thực hiện việc vận động đúng theo quy định. Đơn vị sẽ cử cán bộ xuống địa phương kiểm tra việc vận động theo đầu người, đồng thời sẽ có văn bản nhắc nhở trên toàn tỉnh
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.