Sạt lở do mưa bão tại Lai Châu |
Đường bộ: Lập kế hoạch đảm bảo vận tải
Ngay từ những tháng đầu năm đã xuất hiện lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất đá gây sạt lở ở vùng núi phía Bắc… Gần đây nhất là mưa lớn gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó hệ thống giao thông bị ảnh hưởng.
Để kịp thời khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra, bảo đảm giao thông thông suốt, Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác bảo trì đường bộ, tăng cường công tác tuần đường, phát hiện kịp thời các vị trí sạt lở, ngập úng; bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, đường ngập, bến phà, cầu phao, đò ngang; thực hiện phương châm 4 tại chỗ để khi nước rút đến đâu khẩn trương khắc phục sự cố hư hỏng đến đó; tập trung hót dọn đất đá ở các vị trí sụt lở ta-luy dương và gia cố lại vị trí ta-luy âm để bảo đảm giao thông.
Thời gian qua, Tổng cục ĐBVN đã chủ động tổ chức triển khai kế hoạch đảm bảo giao thông do thiên tai, thảm họa gây ra năm 2017; lập kế hoạch chi tiết phương án đảm bảo giao thông, hướng dẫn phân luồng đối với các tuyến quốc lộ huyến mạch như QL1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, các quốc lộ đi Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên...; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng phục vụ công tác ứng cứu khi có sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra; thường xuyên kiểm tra các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, cầu yếu để đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất khi có sự cố. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, tình hình mưa lũ năm nay khá phức tạp lên đã xảy ra những thiệt hại ban đầu. Tổng cục ĐBVN sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đường bộ thường xuyên kiểm tra biện pháp đảm bảo giao thông trong khi thi công công trình trong mùa bão, lũ; các cơ quan, địa phương, đơn vị quản lý hồ thủy điện, thủy lợi cập nhật thông tin mực nước và điều tiết lũ; các cơ quan quản lý đường thủy, thủy lợi trong công tác phòng chống và khắc phục sự cố liên quan đến công trình thoát nước. Đồng thời, các sở GTVT, đơn vị vận tải lập kế hoạch đảm bảo vận tải, sẵn sàng phối hợp và huy động phương tiện khi có lệnh di dời dân cũng như kế hoạch ứng phó với TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng theo 12 tình huống cơ bản của Quyết định số 1041/QĐ/-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng hải nghiên cứu để có cơ chế vận hành, khắc phục hậu quả thiên tai
Từ đầu năm 2017, tình hình tai nạn sự cố có xu hướng gia tăng, đòi hỏi Cục Hàng hải Việt Nam cũng như các đơn vị liên quan phải nghiên cứu để có cơ chế vận hành, triển khai kịp thời, có hiệu quả.
Để chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả trong mùa mưa bão, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc Cục trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2016 xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ năm 2017, triển khai ngay công tác PCTT&TKCN sát với tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của đơn vị; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; kiểm tra phương án PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” để đối phó và khắc phục hậu quả của lụt, bão, bảo đảm sẵn sàng triển khai kịp thời.
Các đơn vị kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng trụ sở của đơn vị, các công trình, phương tiện... để sửa chữa, gia cố, bảo đảm an toàn khi có thiên tai, lụt, bão. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác PCTT&TKCN; tổ chức trực ban nghiêm túc và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị chủ động thống kê số lượng tàu thuyền có khả năng tham gia TKCN khi có yêu cầu, đưa ra phương án cho tàu thuyền neo đậu, tránh, trú bão kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng điều động tàu thuyền đi tránh quá sớm gây thiệt hại cho doanh nghiệp hoặc điều động quá muộn dẫn đến tình huống nguy hiểm; yêu cầu các doanh nghiệp cảng biển, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển quản lý xây dựng Kế hoạch PCTT&TKCN, kiểm tra cụ thể trước khi đến mùa mưa bão; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát quy chế phối hợp đã ký kết cho phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực trong công tác PCTT&TKCN, đảm bảo lực lượng luôn sẵn sàng, nhanh chóng, thông suốt, kịp thời.
Đảm bảo an toàn, thông suốt trên tuyến ĐTNĐ quốc gia
Để chủ động đối phó với tình hình mưa bão năm nay được dự báo diễn biến phức tạp, ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) ngay từ đầu năm đã chủ động lên kế hoạch phòng chống va trôi tại 9 trọng điểm gồm cầu Đuống (sông Đuống); cụm cầu Long Biên, Chương Dương (sông Hồng); cầu Bình (sông Kinh Thầy); cầu Hồ (sông Đuống); cụm cầu Việt Trì (sông Lô); cầu Tân Phong (sông Đào); cầu Hàm Rồng (sông Mã); cầu đường sắt Yên Xuân (sông Lam); cầu Linh Cảm (sông La - Ngàn Sâu).
Bên cạnh đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã chỉ đạo Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, phía Nam, các cảng vụ ĐTNĐ tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về xây dựng, bảo vệ và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ đã được thống nhất của liên ngành 3 Cục (Cục CSGT, Cục ĐTNĐ Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam); theo dõi thủy văn thường xuyên, thông báo luồng, trường hợp có diễn biến bất thường phải chủ động thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan liên quan và tổ chức, cá nhân vận tải thủy nội địa trên địa bàn quản lý để cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm ATGT ĐTNĐ.
Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, phía Nam chỉ đạo các đội Thanh tra - An toàn phối hợp với cơ quan liên quan tại địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện đậu đỗ hoặc khai thác khoáng sản trái phép gây ảnh hưởng đến ATGT ĐTNĐ; kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, việc trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh tại các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý; tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác thường trực chống va trôi kết hợp điều tiết đảm bảo giao thông tại các cầu trong mùa lũ, bão năm 2017 trên địa bàn được giao quản lý theo phương án đã được Bộ GTVT phê duyệt.
Đường sắt: chủ động trong công tác phòng chống thiên tai
Với diễn biến phức tạp của mùa mưa bão năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó. Trong điều kiện nguồn kinh phí cho đầu tư phương tiện, vật tư, thiết bị dự phòng hạn hẹp, các đơn vị cần chủ động hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có phương tiện, thiết bị hiện đại, kể cả ký hợp đồng nguyên tắc qui định rõ trách nhiệm của mỗi bên khi sự cố xảy ra, tránh bị động; chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là lực lượng bộ đội…
Đồng thời, Tổng công ty đề nghị các công ty, đơn vị rút kinh nghiệm để chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống lụt bão năm 2016, thực hiện phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”.
Đối với các ban chỉ đạo phòng chống lụt bão cần tiến hành kiểm tra, gia cố các điểm xung yếu trước mùa mưa bão; sử dụng linh hoạt và hiệu quả nguồn kinh phí dự phòng trong sửa chữa định kỳ cho công tác phòng chống lụt bão; lập phương án dự trữ vật tư, nhiên liệu và thiết bị; tổ chức tập huấn thường xuyên công tác phòng chống lụt bão; liên tục theo dõi và cập nhật tình hình lụt bão, sự cố về thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Tổng công ty, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.