Công nhân Nhà máy gạch Cotto Giếng Đáy (Quảng Ninh) làm việc trong môi trường nóng bức. Ảnh: Q.CHI |
“Sống chung” với 40 độ C
Trong những ngày này, nhiều CN may, điện tử… mong được… suốt ngày ở Cty, được tăng ca để trốn cái nóng khủng khiếp ngoài đường, trong nhà trọ. Nhưng đối với CN một số ngành, họ phải “sống chung” với nhiệt độ lúc nào cũng khoảng 39-400C, kể cả ở ngoài đường, nhà trọ cũng như trong nhà xưởng.
Anh Lê Trọng Hoành làm CN ở phận Dry của Cty TOTO (chuyên sản xuất thiết bị vệ sinh tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội). Do đặc thù của bộ phận này không được dùng máy lạnh, nên lúc nào nhiệt độ nơi anh Hoành làm việc cũng rơi tầm vào 400C. Mặc dù có quạt thông gió, nhưng không khí quá nóng nên không đỡ đi là bao. “Đứng làm việc mà mồ hôi tôi túa ra, không lúc nào ngừng, ướt đẫm cả bộ quần áo. Tôi có sức khỏe nên không sao, nhưng sau mỗi buổi làm việc như vậy thì khá mệt mỏi, chỉ muốn được nghỉ ngơi” - anh chia sẻ.
Chính vì vậy, anh rất có ý thức trong duy trì sức khỏe của mình. Bên cạnh chiếc quạt làm mát 2 triệu đồng, anh đã bỏ tiền ra mua chiếc điều hòa 6 triệu đồng để lắp tại phòng trọ của mình. “Đi làm trong không khí nóng bức như trên mà về nhà trọ cũng lại nóng như hun nữa, không ngủ được thì chắc chắn sức khỏe sẽ suy kiệt, không đi làm được. Lắp chiếc điều hòa khiến tôi có giấc ngủ ngon để hôm sau tiếp tục “chiến đấu”, mặc dù sẽ tốn tiền điện nhiều hơn. Nhưng suy cho cùng thì mình làm để sống chứ không phải sống để làm việc, mà muốn sướng thì phải chịu mất tiền thôi” - anh Hoành nói.
Chị Hà Thị Hương là CN bộ phận phân loại tại Nhà máy gạch Cotto Giếng Đáy (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Chị cho biết, những ngày này ngoài trời đã nóng bức, trong nhà xưởng nơi chị làm còn nóng hơn, luôn ở trên 400C nên vừa làm, mồ hôi vừa chảy ròng ròng. Ca 1 (từ 6 giờ đến 14 giờ) là thời gian nóng bức nhất. Đây là thời gian làm việc nóng bức nhất, vất vả nhất. “Sức khỏe tôi khá tốt, nên chưa bị ngất vì nóng lần nào, nhưng đã từng bị say nóng, bủn rủn chân tay, nhất là khi chưa đến bữa ăn ca” - chị chia sẻ. Trời nóng nên chị không ăn được nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chị Hương cho biết, để giảm thiểu tác động của trời nóng bức, CĐ và chủ sử dụng LĐ nhà máy đã có nhiều biện pháp, như: Vận hành hệ thống phun sương; bố trí thêm nhiều quạt mát hơn; tăng cường phục vụ nước đá, nhân trần, nước vối, chè đỗ đen, nước khoáng… cho CN.
Công đoàn chăm lo tới người lao động
Trước tình hình nắng nóng, nhiều Cty và CĐCS đã có những cách làm để giảm thiểu tác hại tới CNLĐ. Do đặc thù công việc, tại Cty Ximăng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có nhiều CNLĐ phải làm trực tiếp dưới môi trường nắng nóng.
Dưới trời nắng nóng, tai nạn lao động lại càng có nguy cơ xảy ra cao hơn. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho CNLĐ làm việc dưới trời nắng nóng rất được Cty và CĐ Cty quan tâm. Ông Trần Đoàn Viên - Chủ tịch CĐ Cty - cho biết, các biện pháp chống nắng nóng cho CN đã được CĐ và Cty triển khai thường xuyên từ trước; còn trong giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm thế này, các biện pháp này càng được chú trọng. “Chúng tôi tăng cường phổ biến các hướng dẫn chống say nắng trên hệ thống thông tin của Cty; tăng cường các phương tiện bảo hộ cho CN. Thời gian này, chúng tôi đôn đốc bộ phận nhà ăn tăng cường phục vụ nước giải khát, nước oresol cho CN; lắp đặt thêm các quạt thông gió tại một số vị trí” - ông Viên nói. Ngoài ra, đối với từng vị trí sản xuất, Cty điều chỉnh cho CN làm sớm hơn hoặc nghỉ muộn hơn; một số vị trí được cho nghỉ tạm thời để tránh nắng nóng cho CN.
Theo ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh - trước tình trạng nắng nóng như hiện nay, CĐ các KCN tỉnh đã gọi điện cho các CĐCS chỉ đạo phối hợp với chuyên môn rà soát lại hệ thống nhà xưởng, đảm bảo thoáng mát cho CN; lắp đặt thêm hệ thống điều hòa, quạt cho CNLĐ; quan tâm đến việc phục vụ nước uống, như: Nước đường chanh, nước gạo rang… để đảm bảo bù nước cho CNLĐ… Ngoài ra, đối với tất cả các DN có hệ thống lò ảnh hưởng đến độ nóng thì cần phải tìm cách khắc phục một cách nhanh nhất. “Chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin với cán bộ công đoàn cơ sở, chủ động cử cán bộ trực tiếp xuống kiểm tra thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất để kịp thời chia sẻ khó khăn với CN trong thời điểm nắng nóng đỉnh điểm này” - ông Quyết chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.