Vận tải an toàn
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của người dân lại tăng đột biến, đặc biệt sau Tết Nguyên đán, việc đi lễ, vãn cảnh đã thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt. Đi kèm với đó là áp lực về vận tải và vấn đề ATGT lại tăng cao. Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, việc đảm bảo TTATGT và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Bính Thân và lễ hội Xuân 2016, Tổng cục ĐBVN đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ Tết tại 7 địa phương như: Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai và Bình Dương. Công tác tổ chức vận tải được chú trọng, 100% các sở GTVT đều xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai phục vụ vận tải trong dịp Tết Bính Thân 2016, trong đó tập trung vào các nội dung như công tác niêm yết giá cước tại các bến xe và trên phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã; phối hợp với cục Thuế, sở Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp không được lợi dụng dịp Tết để tăng giá cước và chỉ cho phép phụ thu lệch chiều từ 20 - 60% theo từng tuyến, từng vùng với nguyên tắc “khách đông thuộc đầu nào thì các đơn vị vận tải thuộc đầu đó phải chủ động bố trí xe để vận chuyển, giải tỏa khách”.
Tại các thành phố lớn, tình hình đi lại của hành khách trước Tết tăng, điển hình như Hà Nội có số xe xuất bến tăng từ 2 - 5%, TP. Hồ Chí Minh lưu lượng hành khách đi lại tăng từ 4 - 10%; Hải Phòng, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác, lưu lượng hành khách đi lại tăng khoảng 3 - 5%. Sau Tết, so với các tỉnh, thành khác, các thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, thì lưu lượng hành khách đi lại trong những ngày sau Tết đều tăng so với cùng kỳ Tết Ất Mùi 2015. TP. Hồ Chí Minh đã vận chuyển được 1.254.078 hành khách đi, với 53.508 lượt xe, lượng khách tăng 9%. TP. Hà Nội đã vận chuyển 41.610 lượt xe, với 721,461 hành khách, tăng 3%. TP. Đà Nẵng lượng khách năm nay đi lại trên các tuyến đường tăng đột biến từ 30 - 50%.
Các thành phố lớn đều chỉ đạo các bến xe kéo dài thời gian phục vụ 24 giờ trong ngày nên đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân và không để hành khách phải ngủ lại qua đêm ở các bến xe, đồng thời kêu gọi các đơn vị vận tải vận chuyển miễn phí công nhân nghèo tại các khu công nghiệp về quê ăn Tết, giảm giá vé cho các đối tượng ưu tiên.
Nhiều đơn vị vận tải đã tổ chức bán vé cho nhân dân từ nhiều ngày trước Tết Nguyên đán 2016 với nhiều hình thức như bán qua mạng, bán vé trước hay chủ động tổ chức bán vé tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt là một số địa phương như: Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng đều có kế hoạch phát tờ rơi tuyên truyền và tổ chức bán vé trước tại các trường đại học, khu công nghiệp cho học sinh, sinh viên và công nhân; chủ động liên hệ với các địa phương có nhiều công nhân làm việc tại đó để phối hợp điều động phương tiện đưa công nhân về quê ăn Tết và vận động các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng nhiều lao động chủ động ký hợp đồng với các đơn vị vận tải để đưa công nhân về quê ăn Tết.
Cũng theo bà Phan Thị Thu Hiền, tình hình tăng giảm phụ thu giá cước Tết Bính Thân 2016 tại 63 tỉnh, thành không có biến động nhiều. Tại Hà Nội, Sở GTVT đã thống nhất với Sở Tài chính yêu cầu các đơn vị vận tải không được thu thêm phần phụ thu cước trong những ngày giáp Tết và sau Tết để góp phần bình ổn giá cước vận tải. Tại TP. Hồ Chí Minh, phụ thu giá vé từ 20% - 60% ở một đầu bến theo tuyến đường và ngày phục vụ. Ở Đà Nẵng, khi vào chiến dịch phục vụ trước Tết 10 ngày và sau Tết 10 ngày thì mới áp dụng giá vé phụ thu lệch chiều tăng dần từ 18 - 60%, trước Tết giá vé đi các tỉnh phía Bắc (như tuyến Nghệ An đi Vinh giá vé xe giường nằm từ 240.000 đồng/vé tăng lên 370.000 đồng/vé, tăng 33%; tuyến Hà Nội giá vé xe giường nằm từ 350.000 đồng/vé tăng lên 460.000 đồng/vé tăng 31%; tuyến Hải Phòng giá vé xe giường nằm từ 390.000 đồng/vé lên 468.000 đồng/vé, tăng 20%...).
TNGT giảm cả 3 tiêu chí
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Toàn quốc xảy ra 408 vụ TNGT, làm chết 300 người, bị thương 380 người. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 giảm 128 vụ (-23,8%), giảm 17 người chết (-5,4%), giảm 129 người bị thương (-25,3%). Các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 4.300 trường hợp vi phạm TTATGT, tiền phạt nộp Kho bạc Nhà nước 1.097 tỷ đồng; tạm giữ 7 xe ô tô, 957 xe mô tô, tước 62 giấy phép lái xe.
Cũng theo ông Hùng, đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tình hình vận tải, TTATGT của Ủy ban ATGT Quốc gia vẫn phát huy hiệu quả để tiếp nhận các ý kiến phản ánh về ATGT trong dịp Tết, lễ hội Xuân 2016. Đồng thời, Ủy ban đã chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan để giải quyết, khắc phục kịp thời. Trong dịp cao điểm này, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tiếp nhận thông tin phản ánh gần 280 lượt/9 ngày, giảm đột biến so với cùng kỳ Tết Ất Mùi năm 2015 920 lượt (-76,67%). Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, UTGT.
Công tác vận tải hành khách được tăng cường trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Việc đổi mới, cải tiến phương thức bán vé tàu hỏa, ô tô, máy bay đã tạo thuận tiện cho hành khách, giảm áp lực cho hành khách mua vé. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định, thông suốt, không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Tình trạng chậm, hủy chuyến bay được khắc phục, giảm nhiều so với năm trước.
Các địa phương đều thành lập ban chỉ đạo vận tải phục vụ hành khách Tết Nguyên đán với sự tham gia của ngành GTVT, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo ATGT trong công tác vận tải hành khách dịp Tết. Với sự chuẩn bị chu đáo của các đơn vị vận tải và sự phối hợp chặt chẽ của các bến xe, các đơn vị vận tải đã chủ động phối hợp tổ chức bán vé và tổ chức vận tải hợp lý nên trên tất cả các bến xe trong cả nước đều đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, không để tồn đọng khách trên bến hàng ngày. Do đó, Uỷ ban ATGT Quốc gia đề nghị lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện quyết liệt một số giải pháp, trong đó tiếp tục triển khai quyết liệt Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm TTATGT trong năm 2016.
Đảm bảo an toàn mùa lễ hội Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp đảm bảo TTATGT, đặc biệt trong dịp Tết và lễ hội xuân. Theo đó, các doanh nghiệp vận tải tăng cường năng lực vận tải, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện; đẩy mạnh bán vé qua mạng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân đi lại, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định; tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nhất là các đường ngang dân sinh, lưu ý việc bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe khách trong những ngày đầu, ngày cuối kỳ nghỉ lễ, Tết. Chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm của chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, đặc biệt là các vi phạm về tải trọng, an toàn kỹ thuật phương tiện, hành trình, thời gian lái xe, đón, trả khách sai quy định; tập trung xử phạt các vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ, đi không đúng làn đường, sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật; phòng, chống đua ô tô, mô tô trái phép; tăng cường kiểm tra ATGT ĐTNĐ tại các tuyến vận tải trọng điểm, bến khách ngang sông, điểm du lịch, lễ hội; bảo đảm an toàn tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.