Dầm mưa rét kêu gọi "thả cá đừng thả túi nilon"

Xã hội 01/02/2016 06:22

Hàng chục bạn trẻ đứng dọc cầu Long Biên (Hà Nội) trong giá rét, mưa phùn với khẩu hiệu "thả cá đừng thả túi nylon" .


Hàng chục bạn trẻ đứng dọc cầu Long Biên (Hà Nội) trong giá rét, mưa phùn với khẩu hiệu "thả cá đừng thả túi nylon" và giúp đỡ người dân thả cá chép xuống sông Hồng, hóa bàn thờ hộ... trong ngày tiễn ông Công ông Táo về trời.

1454244976-1454239230-2
Đây là năm thứ 2 nhóm "cá chép" hoạt động tại cầu Long Biên. 

Ngày 22/12 âm lịch nhiều người đã tranh thủ tiễn Táo Quân về chầu trời sớm. Đây là nét đẹp văn hoá của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hình ảnh người dân đi thả cá chép tiễn ông Táo về trời nhưng lại thả luôn cả túi nylon hay tro cốt, bàn thờ... xuống sông, hồ làm nét đẹp đó đang bị xấu đi. Để lên tiếng khiến người dân có ý thức hơn khi thả cá, một nhóm bạn trẻ đã thực hiện chiến dịch vận động quanh Hà Nội với cái tên: Đường Táo Quân, nhằm kêu gọi người dân "thả cá, đừng thả túi nylon".

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 31/1, hàng chục bạn sinh viên "cắm chốt" dọc cầu Long Biên (Hà Nội) trong mưa, rét, cầm trên tay tấm bảng với khẩu hiệu "thả cá, đừng thả túi nylon" nhằm kêu gọi người dân có ý thức trong việc giữ gìn môi trường trong sạch.

Bạn Hoàng Hồng Vi, trưởng "nhóm cá chép" (ĐH KT Quốc Dân, Hà Nội) cho biết: " Mục đích tuyên truyền cho người dân là thả cá không thả túi nilon và tro, bàn thờ xuống sông, hồ, thuyết phục người dân để họ đưa lại cho mình tro cốt, bàn thờ… để chúng em thả giúp và hóa thành tro dưới chân cầu Long Biên".

"80 bạn đứng ở đây từ 8h sáng, có người tự động đưa cho chúng em làm giúp, tuy nhiên có một số người không được cởi mở, họ nghĩ bọn em không biết gì về tâm linh nên không đưa cho chúng em hóa" - Hồng chia sẻ thêm.

Sinh viên Hoàng Tùng Lâm cũng chia sẻ, đây là năm thứ 2 tham gia chương trình này. Lâm cho biết: "Năm đầu, mọi người vẫn chưa tin tưởng, họ còn hỏi, dịch vụ này có thu tiền không . Năm nay mọi người có ý thức hơn một chút nhưng vẫn còn một số người do quan niệm tâm linh, phải chính tay họ vứt xuống mới được lộc còn mình thả người ta không được lộc".

Là người được các bạn sinh viên giúp đỡ thả cá chép xuống sông Hông, ông Nguyễn Gia Long (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, đây là một chương trình rất hữu ích, nhằm nâng cao ý thức cửa người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, môi trường trong sạch nhất là trong ngày có ý nghĩa như thế này.

Một số người đứng trên cầu Long Biên thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời nhưng vẫn có nhiều người đi bộ xuống chân cầu thả cá, thả tro cốt...

Bà Bùi Thị Thuyên (70 tuổi, An Xá, Hà Nội) cho biết : "Ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo lên trời, cả một năm trời mình làm ở dưới này nếu có tội lỗi gì thì ông Táo lên trời tâu với Ngọc Hoàng , mình có tội lỗi thì mình xin sám hối nếu mình có cái gì tốt thì phát huy. Cầu cho đất nước hòa bình".

Trước những hình ảnh một số người dân thả cá từ trên cầu xuống, bà Thuyên nói "Thả từ trên cầu Long Biên xuống sông Hồng cá bị choáng đầu, choáng óc và cá sẽ bị chết. Mình phải mang tận xuống đây thả cá bơi lội mới dễ và không chết. Trước khi thả, tôi còn phải hà hơi vào cá chép cho đủ không khí".

Ý kiến của bạn

Bình luận