Đó là thực trạng chung từ nhiều năm nay khiến người dân sinh sống tại khu vực Tây Nguyên luôn trong tình trạng bất an, lo lắng đánh cược mạng sống của mình khi đi qua những cây cầu treo dân sinh đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ghi nhận thực tế, cây cầu treo thôn 13, xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum vắt ngang con sông Đắk Pxi có chiều rộng lên đến hơn 50m, cố định dây cáp thân cầu 2 bên bờ, 2 bên tay vịn kết bằng những thanh tre, sàn cầu được chắp bởi những miếng ván gỗ...
Theo quan sát, cây cầu đã bị hư hỏng nghiêm trọng, những thanh tre dùng làm tay vịn 2 bên đã bị mủn, sàn cầu gỗ bị mục, cáp treo thân cầu đã bị thụng xuống, toàn thân cầu bị nghiêng, chênh vênh sang một bên. Hai đầu cầu có cắm biển “cấm xe máy qua cầu”, thế nhưng, trong khoảng thời gian ngắn, phóng viên ghi nhận đã có hàng chục xe máy vẫn ung dung vượt cầu. Chiếc cầu gặp vật tác động rung lắc, nghiêng ngả, xe máy chao đảo như muốn bật ra khỏi cầu, hàng chục cháu nhỏ đi học về qua cầu đều sợ hãi, hai tay phải bám chặt lấy các thanh tre mục để giữ thăng bằng.
Nhiều em nhỏ chưa ý thức được sự nguy hiểm trên những cây cầu treo đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng |
Anh A Điểm, Trưởng thôn 13, xã Đắk Pxi, cho biết, cầu được xây dựng vào khoảng năm 2014. Cầu phục vụ đi lại cho 70 hộ với hơn 300 khẩu trong thôn, ngoài ra người dân thôn 6 và 8 cũng hay đi qua cầu. Từ lúc xây dựng đến nay, cầu liên tục bị hư do bão, lũ. Đã có nhiều trường hợp trẻ con đi qua bị ngã, người chạy xe máy rơi tõm xuống sông khi qua cầu. “Cầu treo này không đảm bảo an toàn nhưng dân vẫn phải đi và vận chuyển nông sản qua lại hàng ngày. Người dân rất muốn xây dựng cầu mới để đảm bảo an toàn. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị xây dựng cầu mới cho an toàn nhưng đều được báo phải chờ vì không có đủ kinh phí. Chúng tôi dự định trong khi chờ xây dựng cầu mới, nếu cây cầu hiện tại bị hư hỏng, không thể sử dụng được nữa thì sẽ cùng góp công, góp ván, góp cưa xăng cùng sửa chữa để đi tạm”, anh A Điểm nói.
Theo thống kê tại tỉnh Kon Tum, hiện có 293 cầu treo. Trong số đó, có 194 cầu treo đảm bảo an toàn khai thác, 99 cầu hư hỏng mất an toàn giao thông. Tại đây, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản giao các huyện, thành phố khẩn trương có kế hoạch khắc phục, sửa chữa các cầu treo dân sinh hiện không đảm bảo an toàn; đối với các cầu treo dừng khai thác phải đảm bảo việc đi lại thuận lợi cho người dân; các địa phương nếu để xảy ra trường hợp mất an toàn, gây sự cố khi đang lưu thông trên cầu thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Cũng theo UBND tỉnh Kon Tum, hiện có 15 công trình cầu treo dân sinh thuộc danh mục đầu tư theo “Đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020”, hiện nay chưa triển khai thực hiện vì Trung ương chưa bố trí kinh phí. Vì thế, UBND tỉnh đề nghị UBND các địa phương có công trình thuộc đề án nói trên là huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đắk Glei chủ động triển khai khắc phục sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng theo quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Cùng với địa hình đặc thù của vùng Tây Nguyên, tại tỉnh Lâm Đồng, hiện có 157 cây cầu cần được xây mới, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại, phần lớn trong số đó tập trung tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chứng kiến cảnh người dân bất chấp nguy hiểm đu bám vào những sợi cáp hai bên để vượt cây cầu gỗ đã bị sập sàn ở khu vực thôn 4, thôn 5, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, PV không khỏi "rùng mình". Nhiều tấm ván trên mặt cầu đã bị rơi ra tạo thành những khoảng trống lỗ chỗ khắp mặt cầu, có đoạn khoảng trống lên tới 5-6 mét, trong khi cầu chỉ dài hơn 30 mét. Một người dân cho biết, ngày ngày người dân vẫn liều mình đu bám vào thành cầu để qua sông, mặc cho dòng nước chảy siết bên dưới đầy nguy hiểm, vì nếu không phải đi đường vòng xa hơn khoảng 10 km.
Theo Sở GTVT Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án LRAMP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được phê duyệt 70 cây cầu với tổng vốn xây dựng hơn 123 tỷ đồng, triển khai từ năm 2017 đến năm 2021.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, hiện nay dự án LRAMP đang triển khai thi công 3 gói thầu xây lắp với 25 cầu cống. Dù vậy, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn một số tồn tại vướng mắc do các hộ dân yêu cầu đền bù theo giá thị trường nhưng nguồn kinh phí bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng hạn chế nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. "Nhiều công trình đường bộ tại địa phương muốn xây dựng mới nhưng vẫn còn gặp khó khăn do thiếu vốn. Trong số 15 vị trí cầu cần được xây mới, sửa chữa thì vừa qua tỉnh Lâm Đồng cũng đã triển khai xây mới được 9 cầu treo với tổng số vốn đầu tư 46,6 tỷ đồng, đây là những vị trí cấp bách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tại khu vực đông dân cư, số còn lại đã được nâng cấp để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân”, ông Tuấn nói.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã phê bình Chủ tịch UBND các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đắk Glei và Đắk Hà. Lý do vì huyện chưa bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện công tác duy tuy, bảo dưỡng, sửa chữa cầu treo trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của UBND tỉnh. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.