Đồng ruộng bị ngập nước, lúa trồng không đạt năng suất, bà Hồng phải nuôi thêm vịt để cải thiện kinh tế. |
Sáng 16/10, nước vẫn ngập đồng ruộng và nhiều con ngõ của người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, dù đợt mưa lớn diễn ra cách đây gần một tuần. Nhìn đồng ruộng ngập nước, bà Dương Thị Hồng (61 tuổi, thôn Quan Nam 5) nói như than: "Mấy năm nay lúa gần như mất trắng vì ngập úng. Dân lấy gì ăn đây!".
Nhà bà Hồng có 9 sào ruộng trồng lúa, mỗi năm hai vụ nhưng năng suất vụ hè thu mấy năm nay chỉ hơn tạ thóc mỗi sào, vụ đông xuân chỉ vài chục kg, thợ gặt không buồn đưa máy đến, bà Hồng đành phải nhờ người gặt tay. "Cả đời gắn với cây lúa, giờ bỏ không đành. Làm ruộng bây giờ như đổi công lấy thóc ăn qua ngày. Dân ở đây chán ruộng, bỏ hoang gần hết rồi", giọng bà buồn rầu.
Trồng lúa không đủ ăn, bà Hồng mua thêm đàn vịt về nuôi trên đoạn sông nhỏ trước nhà. Mới đây, bà được chính quyền hỗ trợ 25.000 đồng trên mỗi sào lúa, nhằm khuyến khích nông dân giữ ruộng. Tính tổng diện tích của gia đình, bà nói với hơn 200 nghìn đồng thực tình chỉ đủ tiết kiệm đi chợ một vài ngày.
Nằm ngay phía sau trạm bơm Cầu Quảng, nhà bà Trần Thị Quảng (65 tuổi ở thôn Quan Nam 1) cùng nhiều hộ dân khác đang bị chia cắt bởi dòng nước đỏ ngàu. Trận mưa lớn đêm 11/10 khiến nước mấp mé tràn vào nhà. Hôm trước, đứa cháu của bà té ngã vì nước ngập không có đường đi, hai bố con hàng xóm đi học về cũng chới với dưới dòng nước.
Nói đến chuyện đồng ruộng, bà Quảng bảo vì ngập úng mà đành bỏ hoang 3 sào lúa. "Dân ở đây dưới 35 tuổi bỏ ruộng lên khu công nghiệp Hòa Khánh xin vào các công ty để có thu nhập. Người lớn tuổi hơn họ không nhận, đành ở nhà và... thất nghiệp, cứ ăn rồi tụ tập nói trạng cho qua ngày", bà Quảng chua chát nói.
Nhiều khu dân cư, đồng ruộng của người dân Hòa Liên vẫn chìm trong dòng nước đỏ ngàu, dù trận mưa lớn đã kết thúc 5 ngày. |
Bây giờ Hòa Liên như được chia làm ba, một bên là hàng nghìn hộ dân sống quanh những đồng ruộng thấp trũng ở các thôn Quan Nam 1, 2, 3, 5, Trung Sơn, Trường Định; một bên là những khu tái định cư đã có dân đến ở; bao bọc xung quanh là những dự án dang dở, như cao tốc La Sơn - Túy Loan, dự án Khu Công nghệ cao hay những khu tái định cư dang dở.
"Trước năm 2010, dân chúng tôi không phải khổ sở vì ngập úng như thế này", ông Ngô Thanh Nhì (70 tuổi, thôn Quan Nam 1) khẳng định. Theo ông, 5 năm trở lại đây, các dự án bủa vây đồng ruộng bít hết các đường mương thoát nước qua cầu Thủy Tú ra sông Cu Đê, đất đá trôi xuống đất sản xuất, nước ứ đọng kéo dài gây ô nhiễm môi trường, hư hại hoa màu, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước...
Bà Nguyễn Thị Đào, Phó bí thư xã Hòa Liên, cho biết toàn xã có 250 ha diện tích trồng lúa. Hiện trên địa bàn có dự án khu công nghệ cao san lấp ở phía trên giáp đồi núi và 5 dự án tái định cư ở phía dưới. Việc san lấp đất công nghiệp là nguyên nhân dẫn đến ngập úng kéo dài.
"Các chủ đầu tư đều cam kết phương án thoát nước trong mùa mưa bão, cũng như khơi thông các đường công vụ, nhưng hầu hết dự án đang dang dở nên bịt hết cống rãnh", Phó Bí thư xã nói.Vẫn theo bà Đào, dự án Khu Công nghệ cao có một kênh thoát nước đi qua khu tái định cư để dẫn nước ra cầu Thủy Tú, tuy nhiên họ mới làm một số đoạn của kênh thoát nước, còn kênh qua xã Hòa Liên thì chưa triển khai. "Như vậy là chậm so với cam kết ban đầu", bà Đào nói.
Thừa nhận việc nhiều diện tích đất bị ngập úng đã khiến người dân bỏ hoang đồng ruộng, bà Đào cho biết đã đề nghị thành phố hỗ trợ chi trả tiền vụ mùa cho nông dân, đồng thời thu hồi luôn những diện tích này (khoảng 30 ha) để làm dự án tái định cư. "Ruộng bỏ hoang nên địa phương có tình trạng thất nghiệp", bà nói.
UBND xã Hòa Liên đã lên phương án di dời hơn 5.000 hộ dân ở những vùng thấp trũng trong mùa mưa bão, vận động người dân chuyển đổi cây trồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.