Dân Campuchia lao đao trước làn sóng du khách Trung Quốc

Xã hội 06/01/2019 07:24

Làn sóng các nhà đầu tư và du khách Trung Quốc đang đẩy nhiều cơ sở kinh doanh du lịch của Campuchia vào tình cảnh khó khăn.


 

campuchia-1-4025-1546502072
Một người đàn ông xem những chiếc đèn lồng kiểu Trung Quốc tại một cửa hàng ở Phnom Penh. Ảnh: AFP.

Hơn 1,27 triệu du khách Trung Quốc đã đổ tới Campuchia trong 8 tháng đầu năm 2018, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp làm du lịch ở Campuchia cảm thấy vui mừng, theo South China Morning Post.  

Siem Reap là một điểm hút khách du lịch ở phía tây bắc Campuchia vì vị trí cửa ngõ vào khu vực quần thể Angkor. Nhiều người ở đây đã bắt đầu ca thán về tình trạng dân bản địa chuyển hướng sang chuyên kinh doanh các mặt hàng và dịch vụ dành riêng cho du khách Trung Quốc. 

Channy Murphy, chủ quán rượu Murphy Điên ở Siem Reap, nhận thấy lượng khách du lịch phương Tây đến đây ngày càng ít đi. Đầu những năm 2000, những điểm du lịch hấp dẫn ở Campuchia chủ yếu hút khách du lịch đến từ các nước phương Tây, trong đó đứng đầu là công dân các nước Mỹ, Pháp và Anh. Nhưng hiện nay nhóm khách du lịch đến Campuchia đông nhất là Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. 

Năm ngoái, Campuchia đón hơn 5 triệu du khách và ngành du lịch đóng góp tới 32,4% vào GDP của đất nước này. Campuchia đặt mục tiêu tăng lượng khách du lịch lên tới 12 triệu vào năm 2025. 

Theo kinh nghiệm của Murphy, khách du lịch Trung Quốc thường đi theo đoàn và hiếm khi đi chệch khỏi những địa điểm hay danh thắng quen thuộc. "Mọi thứ, từ đặt phòng khách sạn, họ đều lên kế hoạch từ trước", cô nói. "Họ không bao giờ tách đoàn". 

Bill Laurance, nhà sinh thái học ở đại học James Cook, đồng ý với nhận định rằng du khách Trung Quốc thường không mặn mà với các dịch vụ địa phương.

"Theo kinh nghiệm của tôi, du khách Trung Quốc cực ưa chuộng các doanh nghiệp do chính người Trung Quốc làm chủ hoặc quản lý, như nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng bán đồ lưu niệm hay các hãng lữ hành", Laurance nói. "Khi kinh doanh ở nước ngoài, nếu có thể, các công ty Trung Quốc thích thuê đồng hương hơn dân địa phương". 

Do vậy, lợi nhuận từ việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ du lịch thường đổ vào túi người Trung Quốc, thay vì người Campuchia, Laurance nhận xét. 

Him Samnang, một hướng dẫn viên du lịch của hãng lữ hành Angkor Focus Travel đóng ở Siem Reap, cho biết khách Trung Quốc thường chọn các khách sạn và nhà hàng do đồng hương quản lý. "Đa số họ sẽ tìm đến các cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc", Samnang nói. "Họ không thường ghé những nơi do người Campuchia làm chủ". 

Chhay Sivlin, giám đốc của Hiệp hội các hãng lữ hành Campuchia, cho rằng nguyên nhân nằm ở rào cản ngôn ngữ và chính sách của chính phủ. "Theo luật, người nước ngoài được phép sở hữu doanh nghiệp ở Campuchia, dẫn đến làn sóng người Trung Quốc đầu tư vào nhiều ngành nghề ở đây", bà Sivlin nói. "Do khó khăn ngôn ngữ, du khách Trung Quốc thích sử dụng dịch vụ của người Trung Quốc hơn". 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo du lịch này, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đem lại lợi ích cho quê hương của bà. "Có thể họ là thách thức lớn đối với các công ty địa phương nhưng lại tạo công ăn việc làm cho lao động Campuchia". 

Ở thành phố ven biển phía nam Sihanoukville, chính phủ Campuchia mở cửa cho làn sóng đầu tư chưa từng có của các doanh nghiệp Trung Quốc. Tính đến tháng 4/2018, đã có 30 sòng bạc của doanh nghiệp Trung Quốc đi vào hoạt động ở Campuchia và 70 sòng bạc khác đang trong quá trình xây dựng.

Số lượng khách du lịch Trung Quốc đổ tới Sihanoukville, thành phố vốn chỉ có 90.000 dân, tăng gấp đôi trong vòng hai năm 2016 và 2017. Mọi nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, cửa hàng mua sắm miễn thuế, siêu thị và ngân hàng ở Sihanoukville đều trưng biển hiệu viết bằng tiếng Trung Quốc.

Thành phố tăng trưởng "nóng" khiến không ít doanh nghiệp địa phương bất mãn. Giá phòng khách sạn tăng vọt, theo một số người là vượt quá sức chi trả của đa số người Campuchia, khiến số lượng du khách nội địa đến thành phố này sụt giảm mạnh.

Trong khi du khách Tây thích ở trong những nhà nghỉ bình dân thì du khách Trung Quốc thích khách sạn cao cấp. Anh Chhim Phin, chủ một nhà hàng hải sản ven biển, chỉ về bãi đất trống bên cạnh và cho biết trước đây ở đó là một quán bar lúc nào cũng nhộn nhịp khách du lịch bụi nhưng giờ đây mảnh đất đã thuộc về chủ đầu tư bất động sản người Trung Quốc. 

Người dân địa phương còn lo lắng các sòng bạc casino sẽ sản sinh ra những băng nhóm tội phạm có tổ chức và các vụ xô xát giữa các con bạc. Cảnh sát Campuchia thống kê trong 6 tháng đầu năm ngoái, họ đã bắt 378 người nước ngoài phạm luật, 68% trong số đó là người Trung Quốc.

Thủ tướng Hun Sen năm 2016 từng gọi Trung Quốc là "người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia". Tháng 1 năm ngoái, trong chuyến đi đến thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thảo luận với ông Hun Sen về kế hoạch tăng lượng du khách Trung Quốc tới Campuchia.

Là nước viện trợ lớn nhất cho Campuchia, Trung Quốc đã hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương năm 2018. Và Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất ở Campuchia.

Đầu tư của Trung Quốc và doanh thu từ du lịch vẫn đang đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Campuchia. Tuy nhiên, theo Chhay Sarath, phó giám đốc của Cục Đầu tư Du lịch thuộc Bộ Du lịch Campuchia, du khách Trung Quốc sẽ không tiếp tục là nguồn thu chính của ngành du lịch nước này khi chính phủ đang có kế hoạch đa dạng hóa thị trường. Gần đây, quan chức của Bộ Du lịch đã có động thái xúc tiến để thu hút khách đến từ Thái Lan và Nhật Bản. 

Ý kiến của bạn

Bình luận